Sự hợp tác chặt chẽ giữa Tokyo và Brussels, vốn chia sẻ nhiều lợi ích chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là nền tảng để cả hai ứng phó hiệu quả hơn các thách thức.
Thông cáo của Hội đồng châu Âu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-EU lần thứ 30 diễn ra ngày 23/7 ở Tokyo nêu rõ, Hội nghị thượng đỉnh là minh chứng cho sự gần gũi của mối quan hệ đối tác giữa hai bên, vốn ngày càng quan trọng trong bối cảnh tình hình địa chính trị đầy rẫy những biến động như hiện nay.
Theo thông cáo, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận sâu về cách thức tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng, kinh tế, sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương. Tokyo và Brussels cũng chia sẻ quan điểm về các vấn đề toàn cầu như cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Đông hay tình hình an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
EU coi Nhật Bản là đối tác chiến lược thân thiết nhất tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mối quan hệ song phương gần đây chứng kiến một cột mốc quan trọng, với sự thiết lập quan hệ đối tác an ninh, quốc phòng Nhật Bản-EU vào tháng 11/2024 - bước đi mà giới lãnh đạo hai bên ca ngợi là mang tính lịch sử, phù hợp với tình hình an ninh hiện tại. Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản nhận định, động thái nêu trên đánh dấu lần đầu tiên EU thiết lập quan hệ đối tác an ninh, quốc phòng với một quốc gia châu Á.
Hợp tác kinh tế chiếm ưu thế trong mối quan hệ đối tác chiến lược EU-Nhật Bản. Năm 2024, trao đổi thương mại song phương đã vượt mốc 190 tỷ euro. Việc hai bên ngày càng xích lại gần nhau, ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế là điều dễ hiểu khi căng thẳng thương mại trên toàn cầu đều gây tổn hại nhất định đến lợi ích của cả Nhật Bản lẫn EU. Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) giữa hai bên có hiệu lực vào năm 2019 đã mở ra những cơ hội lớn về hợp tác thương mại, xóa bỏ hàng rào thuế quan.
Một yếu tố quan trọng khiến Nhật Bản và EU thêm gần gũi là sự tương đồng về lợi ích chiến lược và tầm nhìn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cả hai đều hướng tới tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy sự tự do, cởi mở, dân chủ và thượng tôn pháp luật ở khu vực này.
Năm 2021, EU đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực với Liên minh cờ xanh, cũng như khẳng định sự quan tâm, mong muốn gia tăng tầm ảnh hưởng, vị thế EU ở khu vực. Nhật Bản, nền kinh tế lớn và là quốc gia có tiếng nói quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương, là mắt xích không thể thiếu trong chiến lược nêu trên của EU.
Năm 2016, cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từng đề cập đến Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), trong đó nêu cao việc thúc đẩy hòa bình, an ninh tại khu vực. Hợp tác an ninh hàng hải là một trong những lĩnh vực có nhiều triển vọng cho quan hệ Nhật Bản-EU ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn. Trong một bài phân tích trên trang esthinktank.com, các chuyên gia chỉ ra rằng, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “khu vực quyết định tương lai của thế giới” và Nhật Bản, cùng với Hàn Quốc, Australia và New Zealand, sẽ là các nước tại đây mà Brussels tập trung kết nối.
Các diễn biến căng thẳng về địa chính trị, kinh tế toàn cầu được cho là có thể cản trở quan hệ EU-Nhật Bản. Theo giới phân tích, việc EU tham gia các cuộc xung đột, dù là trực tiếp hay gián tiếp, cũng tạo áp lực lớn lên nguồn lực của khối. Tương tự, Nhật Bản cũng có thể phải san sẻ nguồn lực để thực hiện các cam kết với các đối tác khác. Thiếu nguồn lực, hợp tác giữa hai bên có thể không đạt kết quả như mong đợi.
Dù vậy, những chuyển động tích cực thời gian qua của quan hệ EU-Nhật Bản vẫn cho thấy niềm tin giữa hai bên ngày càng được tăng cường, không chỉ giúp gia tăng sức mạnh tổng hợp ứng phó thách thức mà còn nâng cao vị thế mỗi bên trên toàn cầu.