Mở rộng cánh cửa hội nhập của khối thị trường chứng Nam Mỹ

Hội nghị thượng đỉnh Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) vừa bế mạc tại Argentina, với cam kết tăng cường sức cạnh tranh của khối nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp cùng nhiều khó khăn đang chờ đợi Mỹ Latin và Caribe, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của khu vực này.

Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh MERCOSUR nêu rõ, MERCOSUR - được thành lập năm 1991 bởi Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay - cần trở thành một khối kinh tế cạnh tranh hơn nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế cho các quốc gia thành viên. Cũng theo Tuyên bố chung, lãnh đạo các nước trong khối thống nhất cần bảo đảm khu vực là vùng hòa bình, không có vũ khí hủy diệt hàng loạt, xem đây là điều kiện tiên quyết cho tiến trình hội nhập bền vững.

Hàng loạt kết quả tích cực được ghi nhận tại hội nghị vừa qua. Nổi bật trong số đó là cuộc đàm phán về hiệp định thương mại giữa MERCOSUR và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), bao gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, đã kết thúc sau 14 vòng đàm phán. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của MERCOSUR sang EFTA đạt 3,37 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu của EFTA sang MERCOSUR là 3,82 tỷ USD.

Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa mối liên kết thương mại ngoài khối. Dù EFTA không phải thị trường trọng điểm so với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay Trung Quốc, thỏa thuận với EFTA vẫn mang ý nghĩa to lớn về mặt chính trị và ngoại giao đối với MERCOSUR, giúp khối này nâng cao vị thế. Đây cũng là bước đệm quan trọng để khối thúc đẩy việc ký kết chính thức Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU.

Những tín hiệu khả quan liên quan đến triển vọng ký kết FTA giữa MERCOSUR và EU cũng xuất hiện. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira bày tỏ tin tưởng vào việc MERCOSUR và EU sớm ký kết thỏa thuận. Theo ông Vieira, hiện không có khó khăn đáng kể nào cản trở việc này, và FTA giữa hai bên có thể được ký trong nửa cuối năm 2025, khi Brazil đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên MERCOSUR.

Tháng 12/2024, MERCOSUR và EU chính thức hoàn tất đàm phán về FTA, khép lại chặng đường 25 năm đàm phán đầy rẫy chông gai và hướng đến tạo ra một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Thỏa thuận giữa hai bên được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ca ngợi là “một cột mốc thật sự mang tính lịch sử”, với kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường với khoảng 800 triệu dân và thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ đối với hơn 90% hàng hóa EU xuất khẩu sang khối Nam Mỹ. Tuy vậy, trong nội bộ EU, một số nước như Pháp vẫn bày tỏ quan ngại, nhất là liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp do sự chênh lệch về tiêu chuẩn môi trường giữa EU và các nước Nam Mỹ.

Khu vực Mỹ Latin và Caribe đang ngày càng chứng minh sức hút với các nhà đầu tư quốc tế nhờ nguồn khoáng sản và lực lượng lao động dồi dào. Cuộc đua giành sức ảnh hưởng của hàng loạt quốc gia như Nga, Iran, Trung Quốc, các nước EU… tại Mỹ Latin với hàng loạt thỏa thuận hợp tác, chương trình hỗ trợ hay nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tiếp thêm sức sống cho nền kinh tế khu vực Mỹ Latin. Trong nỗ lực mở rộng kết nối với các đối tác mới, MERCOSUR còn hướng đến các nền kinh tế năng động ở châu Á.

Tổng thống Brazil Lula da Silva mới đây nêu rõ, trong vai trò Chủ tịch luân phiên MERCOSUR, nước này sẽ thúc đẩy khối hướng tới mục tiêu tăng cường thương mại với các đối tác bên ngoài. Nhà lãnh đạo Brazil đánh giá cao những lợi ích của việc tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia…

Ngân hàng Thế giới (WB) từng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ Latin và Caribe trong năm 2025 chỉ đạt 2,1% với lý do tỷ lệ nợ cao và tình hình bất ổn trên toàn cầu gia tăng, cản trở sự phát triển của khu vực. Tuy vậy, với tinh thần thiện chí, sẵn sàng mở rộng cánh cửa chào đón các đối tác, nhà đầu tư ngoài khu vực, các nước Mỹ Latin nói chung và MERCOSUR nói riêng vẫn đang nỗ lực tìm cơ hội chuyển mình, vươn lên trong gian khó.

Xem thêm