Hai nước đang nỗ lực hướng tới ổn định, cùng phát triển dựa trên lợi ích kinh tế chung.
Mối quan hệ giữa Pháp và Algeria xấu đi nghiêm trọng kể từ năm 2024 do lập trường của Pháp liên quan đến vấn đề Tây Sahara và các vụ việc nhạy cảm khác. Mặc dù đến cuối tháng 3/2025 hai bên đã nhất trí khôi phục quan hệ song phương sau nhiều tháng khủng hoảng, song căng thẳng lại bùng phát sau khi Algeria kịch liệt phản đối quyết định của cơ quan tư pháp Pháp tạm giữ một cán bộ lãnh sự Algeria tại Pháp để phục vụ điều tra trước khi xét xử. Algeria sau đó đã trục xuất 12 nhân viên Đại sứ quán Pháp để phản đối, kéo theo việc Pháp cũng đáp trả bằng cách trục xuất 12 nhà ngoại giao Algeria và triệu hồi đại sứ của mình tại Algiers về nước để tham vấn.
Mặc dù những bất đồng chưa được giải quyết, song hai nước đang có những bước đi nhằm vượt qua rào cản chính trị để theo đuổi lợi ích kinh tế lâu dài. Giới quan sát đánh giá, có nhiều động thái gần đây từ phía Paris cho thấy nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng với Algiers.
Một trong những bước đi đáng chú ý là việc ông Eric Ciotti, lãnh đạo nhóm nghị sĩ của đảng UDR tại Quốc hội Pháp, đã rút lại dự thảo nghị quyết yêu cầu hủy bỏ Hiệp định Pháp-Algeria năm 1968 liên quan đến nhập cư. Chính đề xuất này từng gây ra làn sóng tranh cãi giữa hai nước.
Quyết định rút lại bản dự thảo ngay trước phiên thảo luận chính thức được cho là để tránh leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương. Hành động của ông Ciotti có thể được hiểu là một thông điệp hòa giải, giúp mở đường cho triển vọng khôi phục và phát triển quan hệ song phương theo hướng tích cực hơn.
Cùng với chiều hướng giảm căng thẳng chính trị, hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Đầu tháng 6 vừa qua, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã tiếp ông Rodolphe Saadé - Chủ tịch Tập đoàn vận tải biển CMA CGM lớn nhất nước Pháp. Các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo tập đoàn và các quan chức cấp cao Algeria tiếp sau đó mở ra triển vọng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực cảng biển và logistics, với việc tăng cường sự hiện diện của CMA CGM tại thị trường Algeria thông qua một thỏa thuận trị giá hàng tỷ euro.
Nội dung thỏa thuận bao gồm việc CMA CGM đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng cảng biển, trong đó nổi bật là kế hoạch tiếp nhận quyền quản lý Oran, cảng lớn thứ hai của Algeria với tham vọng biến nơi đây thành trung tâm trung chuyển hàng hóa khu vực Địa Trung Hải. Hiện nay, CMA CGM đã có mặt tại 9 cảng quan trọng của Algeria. Việc tập đoàn này muốn tiến thêm một bước bằng cách giành quyền khai thác trọn vẹn một bến cảng chiến lược cho thấy cam kết đầu tư lâu dài tại quốc gia Bắc Phi.
Một trong những sáng kiến đáng chú ý khác là việc thiết lập tuyến vận tải biển mới kết nối hai thành phố Marseille (Pháp) và Oran (Algeria), do công ty con của CMA CGM đảm nhiệm khai thác. Dự án này không chỉ giúp tăng cường kết nối hàng hải giữa hai nước mà còn dự kiến tạo ra hơn 2.000 việc làm trực tiếp tại địa phương. Với tầm vóc là một trong những tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới, việc CMA CGM tăng cường đầu tư vào Algeria có thể là bước đi chiến lược nhằm củng cố vị thế khu vực, góp phần mở ra cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế Algeria. Ngoài ra, một phái đoàn doanh nghiệp Pháp đại diện cho khoảng 20 công ty đã tới quốc gia Bắc Phi để tham gia sự kiện “Ngày Công nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Algeria-Pháp tổ chức...
Giữa Algeria và Pháp vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết, song hai nước nhất trí cho rằng, sức mạnh của mối quan hệ song phương có thể giúp Pháp và Algeria xích lại gần nhau hơn. Lợi ích chiến lược và an ninh tương ứng của hai nước, cũng như nhu cầu cấp bách phải giải quyết những thách thức liên quan cuộc khủng hoảng người di cư mà châu Âu, khu vực Địa Trung Hải và châu Phi đang đối mặt, cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Sahel, đòi hỏi hai bên phải quay trở lại cuộc đối thoại bình đẳng. Hợp tác giữa Pháp và Algeria cũng là nhân tố quan trọng góp phần vào việc bảo đảm an ninh ở hai bờ Địa Trung Hải.