Biển chỉ hướng cho du khách đi vào khu vực Schengen tại sân bay quốc tế Henri Coanda, Romania ngày 31/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Biển chỉ hướng cho du khách đi vào khu vực Schengen tại sân bay quốc tế Henri Coanda, Romania ngày 31/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ba Lan áp đặt kiểm soát biên giới với Litva và Đức, câu hỏi về tương lai của Schengen

Ba Lan vừa tuyên bố tái áp đặt kiểm soát biên giới với Đức và Litva. Trong bối cảnh rào cản tại biên giới giữa các nước liên tiếp được dựng lên trong thời gian gần đây, Khu vực tự do đi lại Schengen - biểu tượng cho sự hội nhập và bản sắc chung châu Âu, đang đối mặt thách thức chưa từng có kể từ khi ra đời cách đây 40 năm.

Ba Lan đã triển khai hàng chục trạm kiểm tra tại khu vực biên giới với Đức và Litva nhằm kiểm soát tạm thời, ngăn chặn dòng người di cư trái phép và nạn buôn người. Những biện pháp nêu trên dự kiến kéo dài đến ngày 5/8, nhưng có thể được gia hạn. Theo Thủ tướng Donald Tusk, Warsaw buộc phải thực hiện bước đi này do dòng người di cư bất hợp pháp đã kéo theo nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế, xã hội của nước này.

Đây chính là lý do khiến hàng loạt nước châu Âu siết chặt kiểm soát biên giới thời gian qua. Bên cạnh nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia, sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu cũng gây áp lực, buộc các nhà lãnh đạo thể hiện lập trường cứng rắn trong vấn đề nhập cư.

Năm 2023, Đức tuyên bố áp dụng biện pháp kiểm tra tạm thời tại biên giới với Ba Lan và Séc. Kể từ đó, Berlin liên tục gia hạn, thậm chí mở rộng hoạt động này. Ngoài Đức và Ba Lan, nhiều nước Schengen khác như Áo, Đan Mạch, Pháp, Na Uy, Italia và Thụy Điển cũng duy trì giải pháp tương tự. Chính phủ Slovenia gần đây tuyên bố tiếp tục áp dụng kiểm soát tạm thời tại biên giới nội bộ Schengen với Croatia và Hungary đến ngày 21/12, vì lo ngại an ninh gia tăng, nhất là nguy cơ khủng bố.

Tình trạng này tạo nên nghịch lý tại châu Âu, khu vực vốn hình thành để hàng trăm triệu công dân tự do đi lại, rào cản liên tiếp được dựng lên, đi ngược giá trị ban đầu của Schengen. Theo quy định của EU, kiểm tra biên giới nội bộ chỉ được thiết lập trong trường hợp khẩn cấp và chỉ mang tính tạm thời.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát gần đây liên tiếp được gia hạn. Tại Pháp, hoạt động này được áp dụng gần như liên tục trong khoảng 10 năm qua. Phó Giáo sư Birte Nienaber tại Đại học Luxembourg nhận định, “thời đại không biên giới” tại châu Âu đang bị xói mòn.

Kể từ khi ra đời năm 1985, Khu vực tự do đi lại Schengen trở thành biểu tượng cho sự hội nhập sâu sắc tại châu Âu. Schengen đã mở rộng lên 29 thành viên, tạo nên không gian đi lại tự do lớn nhất thế giới. Schengen giúp hàng trăm triệu người di chuyển tự do giữa các quốc gia thành viên không cần thị thực và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.

Theo EU, dỡ bỏ kiểm soát biên giới nội khối tạo điều kiện cho hoạt động giao thương phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch trao đổi thương mại giữa các nước thành viên vượt 4.100 tỷ euro trong năm 2024. Mỗi năm, khu vực đón hàng trăm triệu lượt du khách quốc tế, chiếm khoảng 40% tổng lượng khách du lịch toàn cầu.

Vì vậy, giới chuyên gia lo ngại nhiều rào cản tại biên giới các nước kéo dài khiến giá trị mà Schengen mang lại đứng trước nguy cơ mai một. Theo Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Katarina Barley, kiểm soát biên giới gây hiệu ứng domino, làm lung lay hệ thống Schengen. Điều này làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa, phá vỡ chuỗi cung ứng, tăng chi phí vận chuyển và đặt ra câu hỏi lớn về sự nguyên vẹn, tương lai của Khu vực tự do đi lại Schengen.

Mối lo ngại về an ninh tại châu Âu ngày càng gia tăng, đặt Khu vực tự do đi lại Schengen trước nhiều thách thức. Giới chuyên gia cho rằng, để bảo vệ tương lai của một châu Âu thống nhất không biên giới, EU cần tìm giải pháp toàn diện cho vấn đề di cư, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” khiến sự đoàn kết trong khối bị rạn nứt.

Xem thêm