Dân số già không chỉ dẫn đến thiếu lao động, mà còn đặt ra bài toán khó về duy trì hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: Nhân Dân Nhật báo)
Dân số già không chỉ dẫn đến thiếu lao động, mà còn đặt ra bài toán khó về duy trì hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: Nhân Dân Nhật báo)

Động lực cho tăng trưởng kinh tế

Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay chứng kiến những thành tựu mới trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe và nâng cao mức sống người dân toàn cầu. Tuy nhiên, những gam mầu xám vẫn bao phủ lên bức tranh dân số thế giới, đe dọa cản trở tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh, kéo theo tốc độ già hóa dân số nhanh chóng đang trở thành “hòn đá tảng” đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế.

Theo báo cáo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, tỷ lệ sinh trung bình trên toàn cầu giảm từ 5 con/phụ nữ vào những năm 1950, xuống mức 2,3. Con số này dự kiến tiếp tục giảm còn 2,1 vào năm 2050, chạm mức sinh thay thế - tỷ lệ cần thiết để duy trì quy mô dân số ở mức ổn định. Đáng lo ngại, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới ghi nhận tỷ lệ dưới mức sinh thay thế, trong đó có Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu.

Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng đối mặt tình trạng nêu trên. Thế giới chứng kiến xu hướng trái ngược trong tốc độ tăng trưởng dân số tại các khu vực khác nhau. Một số vùng thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, có tỷ lệ sinh cao, với dân số dự kiến tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2054. Trong khi đó, châu Âu và châu Á lại chứng kiến sự già hóa và suy giảm dân số. Hơn 20% dân số Liên minh châu Âu (EU) hiện hơn 65 tuổi. Dự báo đến năm 2050, số người thuộc nhóm tuổi này sẽ chiếm khoảng một phần ba dân số EU.

Bức tranh tương phản nêu trên kéo theo những thách thức khác nhau đối với các nền kinh tế. Sự bùng nổ dân số ở châu Phi mang đến nguồn nhân lực trẻ dồi dào và thị trường tiêu dùng khổng lồ, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nếu không tìm được lời giải cho các bài toán về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo việc làm, thì châu Phi có thể phải gánh chịu những hệ lụy của “quả bom dân số” như nghèo đói, bất bình đẳng và áp lực nặng nề lên hệ thống y tế, dịch vụ công, cơ sở hạ tầng.

Ở chiều ngược lại, châu Âu và một số nước châu Á đang mang gánh nặng do tình trạng dân số già hóa nhanh chóng. Khi lực lượng lao động suy giảm, nhiều nền kinh tế có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực, kéo theo sụt giảm tăng trưởng trong dài hạn. Dân số già không chỉ dẫn đến thiếu lao động, mà còn đặt ra bài toán khó về duy trì hệ thống lương hưu, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Giới chuyên gia nhận định, tình trạng già hóa dân số nhanh cùng tỷ lệ sinh thấp ở EU đang gây ra những hệ lụy cho thị trường lao động, hệ thống y tế và đe dọa sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững tại châu Âu.

Dù trái ngược nhau ở tốc độ tăng dân số, song các nước trên thế giới đều đối mặt thách thức chung là làm sao bảo đảm tương lai bền vững cho tất cả người dân. Giới chuyên gia nhận định, thế giới đang đối mặt cuộc khủng hoảng đa tầng. Xung đột, thảm họa khí hậu, đói nghèo, bất bình đẳng… khiến lộ trình tiến tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) năm 2030 của Liên hợp quốc ngày càng xa vời.

Báo cáo do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa công bố cho thấy, chỉ số phát triển con người (HDI), thước đo sự phát triển của con người trên các phương diện y tế, giáo dục và thu nhập, đang chững lại tại tất cả khu vực trên thế giới. Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nhấn mạnh, cột mốc 2030 có thể bị trì hoãn hàng chục năm, khiến thế giới kém an toàn, chia rẽ và dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế và môi trường.

Dân số thế giới đã vượt mốc 8,2 tỷ người, đặt ra nhiều thách thức cho nỗ lực xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả người dân. Tuy nhiên, nếu các quốc gia quản lý tốt nguồn lực dân số sẽ là đòn bẩy để phát triển kinh tế. Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh, hơn 8,2 tỷ người là động lực để thế giới chung tay giải quyết thách thức, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Xem thêm