Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo EU lùi thời điểm áp dụng các biện pháp đáp trả thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ đến ngày 1/8, nhưng lưu ý Brussels sẽ áp đặt các đòn trả đũa cứng rắn nếu không đạt thỏa thuận với Washington.
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni nhấn mạnh, châu Âu có đủ sức mạnh kinh tế và tài chính để khẳng định vị thế của mình và đạt được một thỏa thuận công bằng và hợp lý, đồng thời ủng hộ quyết định của EU trì hoãn đáp trả với hy vọng đạt thỏa thuận với Mỹ.
Ngày 14/7, Hội đồng Thương mại EU đã họp khẩn tại Brussels, nhận định mức thuế 30% mới được Mỹ công bố là không hợp lý và không thể chấp nhận. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên EU ủng hộ tiếp tục đối thoại với Mỹ hướng đến giảm thuế, khôi phục hoạt động thương mại hai bên.
Trên tinh thần xây dựng và thiện chí, Hội đồng nhất trí gia hạn việc đình chỉ gói biện pháp đối phó đầu tiên của EU, gồm thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 21 tỷ Euro đến đầu tháng 8, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực ngoại giao.
Mặc dù các mức thuế cụ thể của Mỹ đối với EU đang tạm đình chỉ đến ngày 1/8, nhưng có một số mức thuế bổ sung đang được áp dụng, gồm thuế cơ bản 10%, thuế bổ sung 50% đối với thép và nhôm, thuế bổ sung 25% đối với ô-tô.
Theo EC, các mức thuế này hiện ảnh hưởng đến khoảng 70% tổng giá trị hàng xuất khẩu của EU sang thị trường Mỹ. Ở chiều ngược lại, với lập trường cứng rắn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil cho rằng, các cuộc đàm phán nghiêm túc và hướng tới giải pháp cụ thể với Mỹ vẫn cần thiết, nhưng nếu thất bại, EU cần chuẩn bị sẵn các biện pháp đối phó để bảo vệ châu Âu.
Trước cơn bão thuế quan đang nhăm nhe đổ bộ châu Âu, giới chuyên gia phân tích rằng, các nước thành viên EU có quan hệ thương mại khác nhau với Mỹ nên mức thuế mới sẽ gây ra những tác động không giống nhau. Ireland và Đức được đánh giá sẽ chịu tác động lớn nhất, bởi Dublin có ngành dược phẩm lớn, trong khi Berlin xuất khẩu phần lớn các sản phẩm ô-tô, thép và máy móc sang Mỹ.
Ireland hiện có mức thặng dư thương mại với Mỹ cao nhất trong các nước thành viên EU, với 86,7 tỷ USD, chủ yếu do các hãng dược phẩm lớn của Mỹ như Pfizer, Eli Lilly và Johnson&Johnson đều đặt trụ sở tại Dublin để tận dụng mức thuế doanh nghiệp 15%, thấp hơn mức 21% ở Mỹ. Các công ty này đăng ký bằng sáng chế tại Ireland và bán sản phẩm tại thị trường Mỹ.
Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, dược phẩm chiếm 22,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ. Ngoài ra, Ireland cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ như Apple, Google và Meta, nhờ chính sách thuế hấp dẫn.
Đức chịu sức ép rất lớn do phụ thuộc thị trường Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất EU ghi nhận thặng dư thương mại 84,8 tỷ USD với Mỹ, phần lớn nhờ công nghiệp ô-tô, hóa chất, thép và máy móc hạng nặng. Một thí dụ nhỏ: thị trường Mỹ hiện chiếm 23% doanh thu của hãng xe Đức Mercedes Benz. Sau Ireland và Đức, Pháp và Italia là hai nước tiếp theo trong danh sách chịu ảnh hưởng lớn từ thuế quan mới của Mỹ.
Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy, hai nước này đang có mức thặng dư thương mại với Mỹ lần lượt là 44 tỷ USD và 16,4 tỷ USD. Giới chuyên gia cho rằng, mức thuế 30% sẽ là thảm họa đối với ngành rượu vang và rượu mạnh của Pháp, chưa kể lĩnh vực hàng không và hàng xa xỉ.
Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ chiếm khoảng 20% lượng xuất khẩu của Pháp sang Mỹ, chủ yếu từ Tập đoàn Airbus.
Thông báo thuế quan mới nhất của Mỹ đang gây choáng váng cho các đối tác thương mại truyền thống, trong đó có EU. Chủ tịch EC Leyen chỉ trích mức thuế quan mới của Mỹ, nhưng khẳng định EU vẫn muốn hợp tác tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương có lợi cho cả hai phía.