Ưu tiên chiến lược

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Canada Anita Anand đến Nhật Bản và Malaysia được xem là nhằm nâng cao hiệu quả trong cách tiếp cận ngoại giao và thương mại đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một chiến lược được Ottawa ưu tiên.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Anita Anand đang có chuyến công du Nhật Bản và Malaysia, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác và tăng cường niềm tin với các đối tác trong khu vực. Chuyến thăm được xem là nhằm nâng cao hiệu quả trong cách tiếp cận ngoại giao và thương mại đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một chiến lược được Ottawa ưu tiên.

Tại Tokyo hôm 8/7 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Anita Anand có cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản Iwaya Takeshi, hoàn tất thỏa thuận chia sẻ thông tin quốc phòng, đồng thời thúc đẩy thương mại giữa Canada và Nhật Bản.

Hai bên hoan nghênh những bước phát triển mới trong hợp tác Canada-Nhật Bản, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực.

Sau Nhật Bản, trong ngày 10 và 11/7, bà Anand đến Kuala Lumpur, Malaysia, tham dự hội nghị ASEAN và phát biểu tại một diễn đàn khu vực.

Trong một tuyên bố, Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada khẳng định, tại diễn đàn này, nhà ngoại giao Canada tái khẳng định cam kết vững chắc của Canada đối với ASEAN như một đối tác an ninh đáng tin cậy, gắn kết và lâu dài trong khu vực.

Theo giới quan sát, nếu không tăng cường xuất khẩu sang các nền kinh tế châu Á đang phát triển nhanh chóng, các mục tiêu thương mại của Canada về đa dạng hóa thị trường khó đạt được như kỳ vọng.

Thực tế, ưu tiên này cũng được nhấn mạnh trong nhiệm kỳ của chính quyền trước đó. Năm 2022, Chính phủ của cựu Thủ tướng Justin Trudeau đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm tìm kiếm nhiều hơn các mối quan hệ thương mại và quốc phòng.

Từ khi chiến lược được đưa ra, Canada đã cử hơn 70 nhà ngoại giao mới trên khắp khu vực. Chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Canada được thực hiện vào thời điểm diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới, vốn được nước chủ nhà Malaysia kỳ vọng là một trong những hội nghị đa phương có quy mô lớn nhất trong lịch sử ASEAN.

Họp báo hôm 8/7, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim khẳng định, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 47 tại Kuala Lumpur vào tháng 10 tới sẽ là một trong những sự kiện lớn nhất từ trước đến nay của khối.

Phạm vi khách mời không giới hạn ở các đối tác truyền thống mà được mở rộng tới các nền kinh tế hàng đầu, từ châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Thủ tướng Canada Mark Carney đã xác nhận tham dự.

Sau Mỹ, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là đối tác thương mại hàng đầu của Canada. Theo thống kê, hơn 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Canada trong năm 2022 là đến khu vực này.

Ottawa đang xây dựng lại quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc sau những rạn nứt, đồng thời nỗ lực tăng cường thương mại với các nước khác trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, hay Australia và New Zealand.

Với ASEAN, Canada chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược từ năm 2023 và đang trong tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do. Canada cũng tích cực “xây dựng thương hiệu” tại Đông Nam Á, thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và một loạt các phái đoàn về giáo dục và thương mại.

Mối quan tâm thúc đẩy hợp tác của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương với Canada cũng gia tăng đáng kể, nhất là khi các cuộc đàm phán về thuế quan của các nước với Mỹ chưa đi đến kết quả cuối cùng.

Xem thêm