Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto vui mừng thông báo, hai bên đã đạt thỏa thuận chính trị, kết thúc 19 vòng đàm phán kéo dài suốt một thập kỷ hướng tới ký kết FTA song phương với tên gọi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Indonesia- EU (IEU-CEPA). EU và Indonesia đều coi đây là cột mốc mang tính quyết định trên lộ trình tiến tới IEU-CEPA, với mục tiêu hoàn tất ký kết vào tháng 9 tới.
Phát biểu họp báo chung, Chủ tịch EC Leyen coi thỏa thuận chính trị với Indonesia là bước tiến lớn trong quan hệ đối tác giữa EU và Indonesia. Theo bà Leyen, thỏa thuận chính trị là bước đi đúng thời điểm do hai bên còn nhiều tiềm năng, dư địa chưa được khai thác tương xứng trong quan hệ thương mại.
FTA giữa EU và Indonesia được ký kết và có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên, đồng thời mở ra các cơ hội mới, thị trường mới trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, sản xuất ô-tô, dịch vụ và hoạt động kinh doanh.
Chủ tịch EC nhấn mạnh, đây là cột mốc lớn trong hành trình tìm kiếm, mở rộng những thị trường mới của EU; đồng thời cho rằng châu Âu và Indonesia đang cùng lựa chọn con đường mở cửa, hợp tác và thịnh vượng chung.
Hiệp định này sẽ giúp củng cố chuỗi cung ứng nguyên liệu thô chiến lược, thiết yếu cho ngành công nghệ sạch và thép của châu Âu. Về phần mình, Tổng thống Subianto gọi việc đạt được thỏa thuận chính trị với EU là bước đột phá sau 10 năm đàm phán, xác nhận hai bên đã đạt đồng thuận trên toàn bộ các điều khoản của hiệp định.
Theo các chuyên gia kinh tế, IEU-CEPA sẽ tạo khung pháp lý thương mại hiện đại, công bằng và bền vững, mở đường cho tăng trưởng thương mại giữa Indonesia và EU, thu hút đầu tư chất lượng cao và thúc đẩy các tiêu chuẩn về phát triển xanh, minh bạch hóa chuỗi cung ứng, hợp tác chuyển đổi số.
Thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác về nguyên liệu thô chiến lược, vốn là mối quan tâm lớn của cả hai bên trong việc bảo đảm an ninh công nghiệp và lợi thế cạnh tranh toàn cầu. Indonesia kỳ vọng hiệp định sẽ giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào các nền kinh tế lớn, đồng thời tăng cường vị thế quốc tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực nông sản, thủy sản, năng lượng tái tạo và khoáng sản chiến lược.
Ngoài lĩnh vực thương mại, Tổng thống Indonesia và Chủ tịch EC cũng tái khẳng định tầm nhìn chung về quan hệ đối tác song phương mở rộng. Nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân, EC đã thông qua quyết định cấp thị thực nhiều lần cho công dân Indonesia, giúp đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình xin thị thực nhập cảnh vào EU.
Hai bên khẳng định cam kết đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch một cách công bằng. Indonesia hoan nghênh sáng kiến Chuyển đổi năng lượng công bằng và sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu của EU nhằm hỗ trợ các mục tiêu dài hạn và ưu tiên phát triển quốc gia. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều Indonesia-EU đạt khoảng 27,2 tỷ euro (30 tỷ USD), trong đó EU xuất khẩu 9,7 tỷ euro và nhập khẩu 17,5 tỷ euro.
EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Indonesia, trong khi Indonesia là đối tác thương mại thứ 33 của EU và đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU tại ASEAN.
Indonesia và EU kết thúc đàm phán để hướng tới ký Hiệp định IEU-CEPA diễn ra trong bối cảnh cả “mái nhà chung” EU và quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực mở rộng quan hệ đối tác thương mại nhằm bảo đảm ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi quan hệ thương mại toàn cầu chứng kiến nhiều biến động.