Tại Việt Nam, cây Kơ nia sống phân bố chủ yếu khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Kơ nia là cây gỗ lớn, thân cao rắn chắc, đường kính lớn, tán tỏa dày và rộng, ít rụng lá, rễ trụ bám sâu vào lòng đất, đặc biệt sống đơn độc nhưng vô cùng mạnh mẽ trên những vùng khô hạn.
Mỗi khi nhắc đến nhạc phẩm “Bóng cây Kơ nia” là người ta nghĩ đến tác giả bài thơ - nhà thơ Ngọc Anh. Bài thơ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc theo điệu Kachoi của dân tộc Hơre. Giai điệu của bài hát đã góp phần chắp cánh cho vần thơ bay xa.
Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, nhạc sĩ Linh Nga Nie Kdăm cho rằng, cây Kơ nia từ trước khi nhà thơ Ngọc Anh phát hiện ra, nó đã là loài cây gắn bó với đời sống canh tác nương, rẫy của người Tây Nguyên từ xa xưa, Cây Kơ nia khác loại cây khác là có bóng tròn và độ thường xanh của nó, trở thành cây che bóng mát cho người làm rẫy lúc nghỉ trưa hay đi trên đường, nó giống như biểu tượng gắn bó chặt chẽ với cuộc sống.
Đồng bào dân tộc thiểu số tại đây chia sẻ, đi núi, đi rừng mà thấy bóng Kơ nia là an tâm, vì đói thì có hạt Kơ nia tách ra ăn, mệt thì có thể nghỉ chân ngay dưới gốc cây.
Gần đây, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Tuệ (tỉnh Gia Lai cũ) đã chia sẻ 2 video dài hơn 30 phút để giới thiệu về loài cây mang tính biểu tượng này. Sau vài ngày đăng trên nền tảng mạng xã hội, video thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem. Khán giả cả nước, đủ lứa tuổi đã để lại nhiều dòng tâm sự xúc động.
Thế hệ cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu chiến trường Tây Nguyên ác liệt như hồi tưởng về một quá khứ gian khổ nhưng hào hùng. Bác Lê Quang Tấn, tài khoản YouTube quangtan3026 chia sẻ: “Sau chiến tranh chống đế quốc Mỹ, việc đầu tiên tôi đến Tây Nguyên là hỏi thăm cây Kơ nia là cây gì? Tôi đã chiến đấu ở đó mà không kịp nhận ra nó. Tôi đã nhờ người dẫn ra tận gốc cây Kơ nia, sờ vào thân cây... Theo người dân địa phương giới thiệu, loài cây này dù bị rải chất độc hóa học, cho dù các loài cây khác bị trơ trụi, chết gần hết, nhưng cây Kơ nia vẫn hiên ngang xanh tốt. Tuy gỗ Kơ nia không thuộc loại gỗ tứ thiết, cao cấp, nhưng nó có giá trị nhất định: cứng, cao, thẳng, có lẽ nó là cây đặc hữu của vùng Tây Nguyên”.
Trong khuôn viên bảo tàng tại phường Pleiku, tỉnh Gia Lai có hai cây Kơ nia, cao khoảng 10m, đường kính khoảng gần 60cm, lá dày, luôn xanh, tán cân đối, nhìn xa bóng tròn hình quả trứng. Nhiều người đề xuất ý tưởng trồng cây Kơ nia trên các tuyến đường, công viên mới quy hoạch nhằm tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái, đồng thời là cách để người địa phương tự hào giới thiệu với bạn bè và du khách thập phương mỗi khi có dịp đến thăm miền cao nguyên.