Nhiều hệ thống đê kè được các địa phương gấp rút thi công, bảo đảm phòng, chống lụt bão.
Nhiều hệ thống đê kè được các địa phương gấp rút thi công, bảo đảm phòng, chống lụt bão.

Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi mùa mưa bão

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2025, thời tiết dự báo sẽ có những diễn biến bất thường. Khu vực Biển Đông có khả năng đón từ 11 đến 13 cơn bão, trong đó có từ 5 đến 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn đê điều, công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ.

Ngày 19/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai trước mùa mưa bão năm 2025. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ được phân công với tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn phù hợp thực tế địa phương, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2025, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó nội dung quan trọng là tập trung cải tạo, gia cố hệ thống đê điều, công trình thủy lợi.

Tại tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các địa phương đặc biệt chú trọng công tác hộ đê trên toàn tuyến; xác định các vị trí trọng điểm, xung yếu để có biện pháp bảo vệ, như: Cống Liên Khê, vị trí 101+200, đê tả sông Hồng; kè Phú Hùng Cường, vị trí K114+000 đê tả sông Hồng và cống trạm bơm Triều Dương, đê tả sông Luộc; xác định 15 vị trí trọng điểm khác trải dài trên toàn tuyến đê thuộc tỉnh Hưng Yên. Tại những vị trí trên, các ngành chức năng và địa phương có trách nhiệm gia cố; đồng thời thường xuyên kiểm tra kịp thời phát hiện bất thường, có nguy cơ gây mất an toàn để có biện pháp xử lý.

Là địa phương có hệ thống 24 tuyến đê với tổng chiều dài hơn 416 km (58,23 km đê biển, 127,93 km đê cửa sông, 230,77 km đê sông); cùng với đó là 91,77 km kè; 386 cống dưới đê chạy qua nhiều địa bàn của thành phố, Hải Phòng xác định, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, mưa bão. Các ngành chức năng của Hải Phòng phối hợp các địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều trên địa bàn. Hiện, thành phố đang gấp rút hoàn thành thi công cải tạo, nâng cấp một số công trình thủy lợi như Trạm bơm Thượng Đồng vị trí K11+400 đê tả sông Hóa; cống Đồng Ngừ, vị trí K44+707 đê hữu sông Luộc; cống xung yếu Giang Khẩu, vị trí K0+100 đê hữu sông Mía; kè Mỏ Hàn, vị trí K14+500. Thành phố đang chuẩn bị triển khai một số dự án như: Dự án Quản lý rủi ro lũ lụt thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phòng, chống lũ tuyến đê sông Thái Bình, sông Hóa, sông Văn Úc, sông Cấm, sông Lạch Tray; dự án Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai vùng ven biển Việt Nam nâng cấp, cải tạo 15 km đê cửa sông Hóa, sông Thái Bình; dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến đê hữu Kinh Thày, đê hữu Đá Bạc…

Để chủ động hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó diễn biến bất thường của thời tiết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản đề nghị các địa phương kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình; chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê, công trình thủy lợi để sử dụng trong trường hợp xảy ra sự cố; tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ ■

Xem thêm