Dù đây là chuyến thăm Anh đầu tiên của Thủ tướng Modi kể từ khi Thủ tướng Keir Starmer nhậm chức (tháng 7/2024), quan hệ song phương vẫn liên tục được củng cố.
Trong một năm qua, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau hai lần tại các hội nghị quốc tế và nhiều lần điện đàm, cho thấy sự gắn kết ngày càng chặt chẽ kể từ khi Anh-Ấn nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2021.
Chuyến thăm Anh của Thủ tướng Modi thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế không chỉ bởi mối quan hệ khăng khít giữa hai nền kinh tế lớn của châu Á và châu Âu, mà còn bởi việc ký kết FTA “nặng ký”.
Thủ tướng Modi khẳng định đây là cột mốc lịch sử, giúp thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo việc làm và đổi mới. Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng nhấn mạnh, thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân và doanh nghiệp Anh.
Thỏa thuận dự kiến giúp thúc đẩy mạnh mẽ kim ngạch thương mại song phương bằng cách loại bỏ nhiều rào cản và mở rộng quyền tiếp cận thị trường.
Theo đó, 99% hàng hóa Ấn Độ xuất khẩu sang Anh sẽ được hưởng mức thuế suất bằng 0, trong đó bao gồm các mặt hàng chủ lực như dệt may, trang sức, phụ tùng ô-tô, da giày, dược phẩm. Ở chiều ngược lại, 90% hàng hóa Anh xuất khẩu sang Ấn Độ cũng được giảm thuế theo từng giai đoạn.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal nhấn mạnh, FTA không phải là đích đến mà là khởi đầu cho chương mới trong quan hệ Anh-Ấn. Thỏa thuận đặt nền tảng để hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 120 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp hai nền kinh tế tăng sức chống chịu trước biến động toàn cầu.
Đối với Anh, đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng mạng lưới thương mại hậu Brexit. Thỏa thuận với Ấn Độ giúp xứ sở sương mù giảm áp lực về thuế, mở rộng cơ hội xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như whisky, ô-tô vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân. Qua đó, Anh không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầy tiềm năng.
Trong khi đó, lợi ích mà thỏa thuận mang lại cho nền kinh tế Ấn Độ cũng rất rõ ràng. Ngoài việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan khi tiếp cận thị trường Anh, hiệp định tăng cường lợi thế cạnh tranh rõ rệt cho các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, đồ thể thao, trang sức, hóa chất hữu cơ. Chính phủ Ấn Độ hy vọng FTA sẽ thúc đẩy chiến dịch “Make in India” và khơi thông dòng vốn FDI.
Chuyến thăm Anh của Thủ tướng Narendra Modi chỉ diễn ra trong hai ngày nhưng đánh dấu sự khởi đầu cho một hành trình dài - hợp tác cùng hướng đến mục tiêu chung là đưa quan hệ song phương bước vào chương mới, phát triển ngày càng toàn diện, sâu sắc và bền chặt.