Trạm Y tế xã Xuân Mai tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 400 người có công trên địa bàn xã nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Trạm Y tế xã Xuân Mai tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn 400 người có công trên địa bàn xã nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.

Vận hành thông suốt các trạm y tế xã, phường sau sáp nhập

Sau khi chính thức thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, nhiều xã, phường trên địa bàn Thủ đô đã có sự thay đổi về địa giới hành chính, kéo theo đó là việc tổ chức lại các trạm y tế xã, phường.

Mặc dù đây là giai đoạn chuyển giao nhiều khó khăn, song hệ thống y tế cơ sở vẫn đang vận hành ổn định, bảo đảm duy trì các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Là một trong những xã mới được thành lập từ việc sáp nhập 6 xã, xã Phú Nghĩa hiện có quy mô dân số hơn 71.000 người. Để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe không bị gián đoạn, Ủy ban nhân dân xã đã ban hành quyết định kiện toàn Trạm Y tế xã trên cơ sở tiếp nhận, sắp xếp lại nhân sự, cơ sở vật chất và các điểm y tế hiện có.

Trạm Y tế xã Phú Nghĩa được đặt tại trụ sở của Trạm Y tế xã Trường Yên (cũ), vốn có cơ sở vật chất tốt và vị trí thuận lợi nhất trong các xã sáp nhập. 5 điểm y tế còn lại trên địa bàn được duy trì dưới hình thức điểm trạm, giúp người dân không phải đi xa. Trạm hiện có 54 cán bộ, viên chức, nhân viên. Từ ngày 1/7 đến ngày 23/7, trạm đã thăm khám sức khỏe ban đầu cho hơn 2.000 lượt người dân.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Nghĩa Nguyễn Thị Minh Hạnh cho biết: “Thời gian đầu khá áp lực, vì chúng tôi phải rà soát lại toàn bộ danh sách người bệnh, kế hoạch tiêm chủng, khám bảo hiểm y tế và hoạt động phòng dịch. Tuy nhiên, trạm đã nhanh chóng xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ nên các chương trình y tế không bị gián đoạn”.

Lãnh đạo xã Phú Nghĩa xác định việc kiện toàn hoạt động của Trạm Y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn đầu vận hành chính quyền 2 cấp. Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghĩa Trịnh Tiến Tường cho biết: “Chúng tôi yêu cầu trạm khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các nhân viên y tế thôn được huy động tối đa để không bỏ sót đối tượng tiêm chủng, khám thai, theo dõi bệnh nhân mãn tính”.

Không chỉ riêng Phú Nghĩa, tại các xã, phường sáp nhập khác trên địa bàn thành phố, công tác chăm sóc sức khỏe cơ sở cũng được bảo đảm vận hành liên tục. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Mai Nghiêm Thị Hiền cho biết: “Ngay khi sáp nhập các địa phương, chúng tôi đã khẩn trương tổ chức các buổi tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cập nhật lại danh sách hộ gia đình, xây dựng kế hoạch tiêm chủng, phòng dịch phù hợp với tình hình mới”.

Nhiều người dân lo lắng sau sáp nhập việc tiếp cận các dịch vụ y tế sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người dân vẫn được khám, chữa bệnh tại trạm gần nhất như trước đây. Các điểm y tế tại các xã cũ vẫn duy trì giúp giảm tải cho trạm chính và tạo sự an tâm trong nhân dân. Bà Nguyễn Thị Liên, thôn Trí Thủy, xã Xuân Mai chia sẻ: “Tôi vẫn được khám gần nhà bởi các cán bộ y tế quen thuộc, cho nên chúng tôi rất yên tâm. Trẻ con vẫn được tiêm đầy đủ, người già thì được theo dõi huyết áp thường xuyên”.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: “Các trạm y tế cần thực hiện song song hai nhiệm vụ là quản lý hành chính nhà nước về y tế và thực hiện công tác chuyên môn. Với quy mô xã, phường lớn hơn sau sáp nhập, đòi hỏi cần có sự đầu tư tương xứng về hạ tầng và nguồn lực con người. Nếu gặp vướng mắc, các trạm cần báo cáo sớm để Sở Y tế kịp thời hỗ trợ, giải quyết”.

Một số trạm y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, phường sớm ban hành quy chế phối hợp giữa trạm và các đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn bảo đảm thống nhất trong quản lý nhân lực, ngân sách và chuyên môn. Kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Trạm Y tế xã, phường; hướng dẫn việc đấu thầu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế cho người dân…

Dù còn nhiều thách thức về nhân lực, cơ sở vật chất và quản lý, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt từ thành phố, sự chủ động của chính quyền cơ sở và nỗ lực của đội ngũ y tế, các trạm y tế xã, phường trên địa bàn Hà Nội đang dần khẳng định vai trò là “người gác cổng” sức khỏe cho cộng đồng trong giai đoạn phát triển mới.

Xem thêm