Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong tổng số 6,9 triệu xe máy của thành phố và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn, có 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ, làm suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội đẩy mạnh chính sách vùng phát thải thấp và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh theo lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô-tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Sở Xây dựng cũng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện xanh. Với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phương tiện công cộng sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất vay để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi, hoặc chính sách liên quan đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xanh nhằm giải quyết lo ngại về trạm sạc. Về các chính sách hỗ trợ người dân khi chuyển đổi sang xe điện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đào Việt Long cho biết, vấn đề này liên quan lợi ích của đông đảo người dân, do đó việc triển khai được tiến hành bài bản, thận trọng và đồng bộ, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, mục tiêu về môi trường cũng như mục tiêu chung của thành phố.
Tiến sĩ Ngô Văn Thanh (Trường đại học Điện lực) cho rằng, để khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, thành phố cần tăng cường xây dựng hạ tầng trạm sạc tại các khu vực công cộng, trung tâm thương mại, các khu dân cư để làm sao người dân thấy được việc sử dụng xe điện là tiện lợi, khi đó mới thay đổi được tâm lý sử dụng xe xăng đã quen thuộc trong cuộc sống. Thực tế, không thể chỉ cấm xe máy chạy xăng đơn lẻ mà phải cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ, như: Hệ thống vận tải hành khách công cộng, tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sạch hay thêm nhiều bãi gửi xe thuận lợi, giá phù hợp... Do đó, cần phải có các trung tâm trung chuyển, tại đây phải có bến bãi gửi xe với giá cả hợp lý để người dân thay đổi phương tiện khi đi vào ra khu vực trong Vành đai 1 được thuận lợi nhất.
Theo ông Đào Việt Long, để triển khai thực hiện việc này cần sự phối hợp giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp - ba yếu tố mấu chốt để thành công. Với doanh nghiệp, thành phố kêu gọi doanh nghiệp đồng hành và nhiều doanh nghiệp sẵn sàng có chính sách riêng như về thu mua xe cũ, hỗ trợ trực tiếp cho người dân khi mua xe hoặc chính sách lâu dài về bảo dưỡng, sửa chữa, mua pin… “Thành phố tiếp tục lấy ý kiến, đối thoại với doanh nghiệp và cùng các doanh nghiệp đưa ra chính sách phù hợp với chủ trương của thành phố trong từng giai đoạn. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của cộng đồng để tiếp thu trước khi đưa ra chính sách”, ông Long nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên lộ trình chuyển đổi này, thành phố cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức. Hiện nay, chưa có quy chuẩn chung về trạm sạc, đầu sạc khiến cho việc sử dụng chung trạm sạc giữa các hãng xe còn khó khăn. Cùng với đó, thành phố chưa có quy hoạch tổng thể về mạng lưới điện và hạ tầng trạm sạc, nhất là trong khu vực nội đô. Việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng sạc cũng gặp khó khăn do thiếu khung pháp lý cụ thể về quản lý và giá dịch vụ. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu cho phương tiện và hạ tầng xanh còn rất cao. Riêng xe buýt điện, để bảo đảm tần suất hoạt động tương đương xe sử dụng dầu diesel, thành phố cần đầu tư thêm khoảng 40-50% số phương tiện. Trong khi đó, vẫn chưa có cơ chế tài chính đủ hấp dẫn như ưu đãi tín dụng hay miễn giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho rằng, hiện các trạm sạc đang còn ít, chưa ảnh hưởng đến nguồn điện. Tuy nhiên, giai đoạn 2026-2030 nhu cầu lớn cho nên phải làm rõ cần bao nhiêu trạm sạc theo từng năm với từng loại công suất. Thành phố nên giao cho một sở làm đầu mối chủ trì với sự tham gia của các đơn vị liên quan, phấn đấu ban hành được quy hoạch trạm sạc ngay trong năm 2025, từ đó ngành điện sẽ tính toán nguồn điện để đáp ứng nhu cầu. Các doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu phương án cho thuê pin, đa dạng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Về vị trí xây dựng trạm sạc, đại diện Sở Công thương kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố giao sở là đầu mối để phối hợp với 126 xã, phường và các đơn vị liên quan rà soát, xác định vị trí, diện tích, nguồn gốc đất, từ đó cập nhật phương án trình thành phố làm cơ sở triển khai trong thời gian tới