Theo số liệu thống kê sơ bộ Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến 7 giờ 30 phút sáng 20/7, 940 cây đổ và cành gãy, trong đó các phường (quận cũ) và trục Đại lộ Thăng Long và Võ Nguyên Giáp, Công viên Thống Nhất 771 cây.
Tại địa bàn các phường, xã như Ba Đình có 52 cây; Hai Bà Trưng 71 cây; Hoàn Kiếm 47 cây; Đống Đa 61 cây; Long Biên 120 cây; Hoàng Mai 65 cây; Hà Đông 81 cây; Võ Nguyên Giáp 26 cây; Nam Từ Liêm 7 cây; Bắc Từ Liêm 25 cây; Thanh Xuân 13 cây; Tây Hồ 11 cây; Cầu giấy 56 cây; hai bờ sông Tô Lịch 5 cây; Đại lộ Thăng Long 95 cây; Công viên Thống Nhất 36 cây; Đông Anh 18 cây; Gia Lâm 28 cây; Sóc Sơn 20; Mê Linh 2 cây; Sơn Tây, Ba Vì 6 cây; Thanh Trì 35 cây; Quốc Oai 37 cây; Đan Phượng 24 cây; Ứng Hòa 12 cây…

Theo đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng Kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng), tính đến 7 giờ 30 phút sáng 20/7, cơ bản khu vực nội đô các đơn vị đã giải tỏa để bảo đảm giao thông, còn một số tuyến còn cây, cành lá trên hè, các đơn vị sẽ thu dọn, cố gắng hoàn thành trong hôm nay. Một số tuyến phố nhỏ, xa trung tâm các đơn vị sẽ hoàn thiện thu dọn cành lá trên hè trong ngày 21/7.
Trước đó, ngày 19/7, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 4162/UBND-NNMT về việc sẵn sàng ứng phó với bão số 3 và nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là nguy cơ bão, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, úng ngập nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã chỉ đạo rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng di dời dân ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân…