Lực lượng chức năng phường Long Biên xử lý cây xanh gãy đổ sau trận dông lốc ngày 19/7.
Lực lượng chức năng phường Long Biên xử lý cây xanh gãy đổ sau trận dông lốc ngày 19/7.

Các xã, phường tại Hà Nội sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, cùng với các ngành chức năng, các địa phương tại Hà Nội đang tập trung lực lượng để ứng phó, nhằm giảm tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trần Phú Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, xã đã thành lập đầy đủ các tiểu ban, chuẩn bị lực lượng 1.200 người tại chỗ, hiệp đồng thêm 200 cán bộ, chiến sĩ, ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp vật tư gồm 15.000 bao tải, 2.000 cọc tre, vải bạt, phương tiện cơ giới... Các điểm tuần tra, trực ban cũng đã sẵn sàng triển khai nhiệm vụ.

Các đơn vị trên địa bàn phường Tùng Thiện khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân, bảo đảm an toàn về người và tài sản khi có tình huống xảy ra.

my-duc-4.jpg
Lãnh đạo xã Mỹ Đức kiểm tra cầu tạm trên địa bàn. (Ảnh: Thu An).

Đảng ủy các phường Long Biên, Phúc Lợi, Việt Hưng đã chỉ đạo lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường triển khai thực hiện ngay việc rà soát, xây dựng đầy đủ, triển khai các phương án, kịch bản ứng phó mưa bão, chống lũ theo phương châm "4 tại chỗ", bố trí trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án xử lý tình huống khẩn cấp, phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm (khu vực chung cư xuống cấp; khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập sâu) đến nơi an toàn.

Đồng thời, có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.

Tại phường Phúc Lợi, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thế Thạch chỉ đạo: “Tổ chức trực ban 24/24 giờ, nhất là các lực lượng Công an, Quân sự, hộ đê theo quy định, theo dõi tình hình mưa bão và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó”.

Trong khi đó ở phường Tương Mai, cán bộ tổ dân phố, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên và các tổ chức xã hội được huy động tỏa đi khắp các ngõ phố giúp dân chằng chống mái tôn, che chắn cửa sổ, gia cố tường yếu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tương Mai Đào Thị Thu Hằng cho biết: “Những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, gia đình chính sách được phường quan tâm đặc biệt, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ngoài ra, phường Tương Mai đã chọn các trường học kiên cố, nhà văn hóa phường, trụ sở tổ dân phố làm nơi sơ tán tập trung trong trường hợp mưa bão gây ngập úng, hoặc nguy cơ sập nhà ở các khu dân cư cũ, nhà tạm.

Phường Tây Hồ chia thành 3 trục tuyến chính: An Dương Vương-Âu Cơ- Nghi Tàm; Võ Chí Công-Lạc Long Quân; Hoàng Hoa Thám-Thụy Khuê để triển khai các phương án phòng, chống bão. Mỗi tuyến đều có tổ chỉ huy hiện trường, chịu trách nhiệm điều hành lực lượng ứng trực, xử lý sự cố, phối hợp các đơn vị để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Danh sách phân công cụ thể được công khai và cập nhật trên nhóm Zalo “Ứng trực bão Wipha” để bảo đảm thông tin thông suốt.

Công tác truyền thông, tuyên truyền được triển khai bài bản, kịp thời, đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến, tác động và các biện pháp phòng tránh bão trên các nền tảng số và hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn phường. Các tổ dân phố cũng kích hoạt nhóm Zalo để truyền tải thông tin đến từng hộ dân, đặc biệt là những khu vực trũng thấp, nhà tạm, ven hồ có nguy cơ cao.

Kiểm tra công tác ứng phó tại xã Xuân Mai và xã Trần Phú chiều 21/7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, lơ là trong bất kỳ tình huống thiên tai nào. “Dù bộ máy mới còn nhiều việc phải kiện toàn, nhưng đây cũng là dịp kiểm tra năng lực chỉ huy, điều hành từ cơ sở. Càng trong khó khăn, càng phải gắn bó, hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ dân”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nói.

Xem thêm