Những tổ hợp như Complex 01 sẽ được khuyến khích phát triển khi có chính sách về Trung tâm công nghiệp văn hóa tại Hà Nội.
Những tổ hợp như Complex 01 sẽ được khuyến khích phát triển khi có chính sách về Trung tâm công nghiệp văn hóa tại Hà Nội.

Tạo đà phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Với mong muốn đưa công nghiệp văn hóa (CNVH) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách có tính tiên phong về lĩnh vực này.

Mới đây, với việc Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố thông qua Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm CNVH trên địa bàn (thực hiện khoản 7 điều 21 Luật Thủ đô 2024), CNVH Hà Nội đã được mở đường để cất cánh.

Mong mỏi Hà Nội có một Trung tâm CNVH là vấn đề đã được các chuyên gia trong lĩnh vực CNVH đề cập từ lâu. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, người sáng lập không gian sáng tạo Zone 9 từng chia sẻ, Hà Nội rất cần những cơ sở nuôi dưỡng các lĩnh vực khác nhau của CNVH, công nghiệp sáng tạo, tạo động lực phát triển CNVH, thành phố sáng tạo. Ở đó, có đủ các điều kiện để cho các doanh nghiệp lĩnh vực CNVH có thể hoạt động, phát triển. Đây chính là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đã triển khai thành công trong xây dựng CNVH, thành phố sáng tạo. Hà Nội đã có những tổ hợp không gian sáng tạo, nhưng chưa có không gian nào tương xứng với nhu cầu của một đô thị lớn như Thủ đô. Việc thông qua những quy định có nhiều ưu đãi về thành lập Trung tâm CNVH sẽ mở ra hướng phát triển mới cho lĩnh vực này.

Hà Nội có tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú, là “mỏ vàng” cho việc khai thác các giá trị văn hóa để trở thành sản phẩm CNVH, biến văn hóa thành nguồn lực kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Thành phố luôn tiên phong trong xây dựng các chủ trương, chính sách để thúc đẩy CNVH phát triển. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tiếp đó, để cụ thể hóa Luật Thủ đô, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm CNVH trên địa bàn. Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành chính sách với nhiều ưu đãi về CNVH.

Nghị quyết quy định rõ, Trung tâm CNVH là tổ chức được cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập, có trụ sở tại địa điểm với ranh giới địa lý xác định để hoạt động trong lĩnh vực CNVH, cung cấp dịch vụ hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sản phẩm văn hóa, phát triển hệ sinh thái sáng tạo. Lĩnh vực hoạt động của trung tâm gồm một hoặc một số ngành CNVH: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật, biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, ẩm thực.

Trường hợp thuê công trình, tài sản công để thành lập Trung tâm CNVH, nhà đầu tư được xem xét khấu trừ tiền thuê đất vào tiền thuê công trình trong trường hợp tiền thuê công trình đã bao gồm tiền thuê đất; được miễn tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa ba năm đầu thành lập, giảm 50% tiền thuê công trình trong thời hạn tối đa ba năm tiếp theo; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong trung tâm được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ về kinh phí tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình tài trợ và vườn ươm doanh nghiệp... Đặc biệt, các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong trung tâm được hưởng các hỗ trợ: 100% kinh phí quảng bá, truyền thông về sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật trên các phương tiện thông tin, truyền thông thành phố; 40% kinh phí tổ chức, sản xuất chương trình (nhưng không quá 200 triệu đồng cho một sự kiện, hoạt động có giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật hoặc có ý nghĩa quan trọng có tác động tích cực đến việc quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Thủ đô và đất nước đến cộng đồng quốc tế). Thành phố cũng có định hướng rõ về sử dụng không gian để kiến tạo Trung tâm CNVH, thí dụ như tái thiết các công trình cũ (di sản công nghiệp) hoặc khuyến khích sử dụng các bãi nổi các dòng sông đoạn chảy qua Hà Nội thành Trung tâm CNVH.

Trước đây, Hà Nội từng có một số mô hình mang tính tiền đề cho những trung tâm, thí dụ như không gian sáng tạo quy mô của các tổ chức, cá nhân thành lập. Nhưng những mô hình lại thiếu cơ chế vận hành. Nhà đầu tư, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà sáng tạo luôn than phiền về việc không nhận được cơ chế ưu đãi, buộc phải hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp thông thường, có thể là nhà hàng, quán ăn… thay vì hoạt động văn hóa. Với những cơ chế, chính sách này, điều mong mỏi của người làm CNVH đã thành hiện thực. Những tổ hợp gồm một hay nhiều lĩnh vực CNVH sẽ sớm hình thành, thu hút nguồn lực của cộng đồng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội, đây là lần đầu tiên một địa phương chủ động thiết kế mô hình quản lý văn hóa theo hướng liên kết hệ sinh thái từ quản trị Nhà nước đến sáng tạo cộng đồng; từ không gian khởi nghiệp đến tuyến phố di sản, từ chính sách đầu tư công đến cơ chế trao quyền cho người dân

Xem thêm