Sau khi nghiên cứu, nhiều ý kiến đánh giá chất lượng nội dung và hình thức của dự thảo cơ bản thể hiện sự công phu, khoa học của đội ngũ soạn thảo, định hình rõ được đường hướng phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới.
Mục tiêu của Thành ủy Hà Nội là xây dựng văn kiện bảo đảm chất lượng và yêu cầu đặt ra, xứng đáng là văn kiện của Đảng bộ Thủ đô - đảng bộ lớn nhất cả nước. Thành phố xác định văn kiện không chỉ để dùng trong hệ thống chính trị mà phải mang hơi thở của cuộc sống, thể hiện được nguyện vọng, mong muốn của người dân và doanh nghiệp; tạo ra nguồn động lực, có tính hiệu triệu, truyền cảm hứng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội xác định văn kiện đại hội phải đáp ứng được yêu cầu, các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp sát thực tiễn, có tính hành động để nhìn vào đó có thể thấy được phải làm gì, làm như thế nào và triển khai ngay được. Thành phố đã cập nhật thường xuyên, đầy đủ hệ thống quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mới của Trung ương, đồng thời bám sát thực tiễn của Thủ đô. Qua đó, văn kiện thể hiện rõ tinh thần đổi mới, định lượng cụ thể chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp một cách dễ hiểu, dễ thực hiện để đưa Thủ đô bứt phá vươn lên trong giai đoạn mới. Cùng với văn kiện, thành phố tổ chức triển khai xây dựng nghị quyết đồng thời với xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án để tổ chức thực hiện ngay.
Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao chất lượng nội dung và hình thức của dự thảo, cơ bản thể hiện được sự công phu, khoa học của đội ngũ soạn thảo. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, dự thảo bố cục rõ ràng, khoa học, nội dung bao quát và phong phú; thể hiện được tầm vóc của một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, khẳng định vai trò đầu tàu quốc gia, động lực vùng Đồng bằng sông Hồng.
Báo cáo gồm ba phần, trong đó, phần một dài gần 15 trang “Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 và thành tựu, tiềm lực, vị thế, uy tín của Thủ đô sau 40 năm đổi mới”. Đáng chú ý trong phần này, Báo cáo dành thời lượng lớn đi sâu phân tích 8 hạn chế và nguyên nhân, rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Phần hai nêu “Quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới”. Đây là phần có nhiều điểm mới nhất, ngoài bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước, 5 quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm…, lần đầu tiên một báo cáo chính trị xác định “5 lĩnh vực ưu tiên cần tập trung thực hiện” trong nhiệm kỳ mới. Phần ba “Những giải pháp trọng tâm” chiếm dung lượng lớn nhất nêu 8 nhóm giải pháp, trong đó toát lên tinh thần cụ thể hóa “bộ tứ trụ cột” ở Thủ đô.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tới là thách thức lớn với cả nước và càng gay gắt hơn với Hà Nội, khi thành phố không chỉ phải đạt con số mà còn cần bảo đảm chất lượng tăng trưởng. Muốn vậy, Hà Nội phải triệt để giải quyết các ách tắc cũ, đồng thời thu hút đủ nguồn lực, tạo ra động lực mới, khác thường và đặc biệt là cần các giải pháp thông minh, vượt trội trong ứng xử chiến lược cùng với nỗ lực phi thường từ hệ thống chính trị và người dân.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội Hoàng Tùng cho rằng, sau khi bỏ cấp huyện, cấp xã trở thành cấp chính quyền cơ sở quan trọng nhưng lại thiếu công cụ tổ chức quản lý vùng chức năng, trong khi năng lực quản trị đa ngành còn hạn chế. Cách quản lý hiện tại vẫn theo mô hình “đơn tuyến”, từ thành phố xuống phường, xã, thiếu cơ chế điều phối ngang cấp và liên ngành. Do đó, Hà Nội cần định hướng phát triển theo mô hình đại đô thị vùng với cấu trúc liên kết chặt chẽ giữa trung tâm và các đô thị vệ tinh. Mô hình này có thể học hỏi từ các kinh nghiệm quốc tế như Grand Paris (Pháp) hay Tokyo Metropolitan Region (Nhật Bản). Đi kèm với mô hình mới, Hà Nội cần xây dựng “quy hoạch vùng chức năng đô thị mở rộng”, thay thế vai trò của quy hoạch hành chính truyền thống.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Thành phố mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, giúp xây dựng văn kiện bảo đảm chất lượng và yêu cầu đặt ra, xứng đáng là văn kiện của Đảng bộ Thủ đô.