Hội nghị phản biện xã hội đối với hai dự thảo nghị quyết liên quan phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. (Ảnh Nguyễn Phương)
Hội nghị phản biện xã hội đối với hai dự thảo nghị quyết liên quan phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. (Ảnh Nguyễn Phương)

Tạo lập khung chính sách đặc thù

Cụ thể hóa định hướng từ Luật Thủ đô năm 2024, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành phố Hà Nội đang xây dựng các nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với hai dự thảo nghị quyết liên quan phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm: Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 2; điểm a, b, c và khoản 3 Điều 23 của Luật Thủ đô sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội (thực hiện khoản 1; điểm d khoản 3; khoản 5 Điều 23 của Luật Thủ đô sửa đổi).

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Anh Tuấn, việc ban hành hai nghị quyết này rất quan trọng đối với Hà Nội trong giai đoạn mới, nhằm cụ thể hóa chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn trước đây liên quan vấn đề nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cũng như hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp của Hà Nội.

Trong những năm qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng hiệu quả chưa như mong đợi, còn nhiều khó khăn, bất cập. Hoạt động chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ còn chậm; các ưu đãi chưa tương xứng, các thủ tục hành chính liên quan đến tài chính, đầu tư công, chuyển giao tài sản, kết quả nghiên cứu chưa bao phủ được yêu cầu thực tế. Vấn đề mấu chốt là mặc dù rất coi trọng các lĩnh vực này, nhưng thành phố chưa có chính sách cụ thể để thúc đẩy và hỗ trợ những nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm do doanh nghiệp chủ trì, không sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này đã làm hạn chế khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa.

Theo dự thảo hai nghị quyết đang đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện, các nhóm chính sách đặc thù với nhiều nội dung mới lần đầu tiên được thể chế hóa ở cấp thành phố. Đơn cử như việc cho phép thành phố đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm nhằm khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tư nhân đầu tư nghiên cứu và hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Đáng chú ý là quy định cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ sử dụng ngân sách thông qua Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội; hay việc hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua sắm và vận hành thiết bị cho đề tài nghiên cứu, hỗ trợ tối đa 50% chi phí mua sắm với dự án sản xuất thử nghiệm và việc hưởng ưu đãi tương tự doanh nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, thành phố cũng đưa ra chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng; trong đó đối tượng được mở rộng gồm cả chuyên gia có uy tín ở trong nước và nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài...

Đóng góp ý kiến phản biện đối với khung chính sách của thành phố Hà Nội dành cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiều chuyên gia quan tâm đến việc làm thế nào để có hiệu quả cao, chấp nhận rủi ro nhưng phải tránh được tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Theo ông Mai Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội, việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học là một yêu cầu tất yếu, thể hiện tư duy đổi mới, khuyến khích sáng tạo. Để cơ chế này phát huy hiệu quả, không phát sinh kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí, khung chính sách cần có quy định rõ tiêu chí rủi ro được chấp nhận trong nghiên cứu. Cùng với đó, cần tạo lập cơ chế giám sát, đánh giá giữa kỳ và hậu kiểm các dự án; xác định trách nhiệm của hội đồng khoa học, cơ quan chủ trì và người đứng đầu tổ chức thực hiện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho rằng, hiện thành phố đã xác định các lĩnh vực trọng điểm, nhưng lại chưa rõ quy trình xác định danh mục nhiệm vụ trọng điểm. Do vậy, thành phố cần xây dựng tiêu chí để tránh tiêu cực và không hiệu quả.

“Cần phân nhóm, phân lĩnh vực, từ đó xếp thứ tự ưu tiên để thu hút đối tượng tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; bổ sung những nội dung về chống lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; tránh lợi dụng chính sách để trục lợi”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo các dự thảo nghị quyết.

Xem thêm