Quang cảnh buổi khảo sát.
Quang cảnh buổi khảo sát.

Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khảo sát công tác chống thuốc giả, thực phẩm giả

Ngày 22/7, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã tiến hành khảo sát công tác thực hiện chính sách pháp luật về chống thuốc giả, thực phẩm giả tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết, mục đích đợt khảo sát để nắm rõ thông tin, thực trạng quản lý Nhà nước về thuốc, thực phẩm và công tác thanh kiểm tra phát hiện, xử lý thuốc giả, thực phẩm giả. Từ đó nhận diện được những hạn chế, khó khăn trong hệ thống pháp luật và trong tổ chức thực hiện về dược, an toàn thực phẩm.

Đoàn cũng tiếp thu những kiến nghị về hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý của từ Trung ương đến địa phương về chất lượng thuốc, an toàn thực phẩm.

img-1493-2.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn có nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy mô lớn, là đầu mối phân phối thuốc cho tất cả các khu vực trên cả nước với 42 nhà máy sản xuất thuốc; 1.531 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 8.454 cơ sở bán lẻ thuốc; 647 cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.

Trên lĩnh vực thực phẩm, thành phố hiện có 2.832 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 13.747 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 14.640 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

img-1490-2.jpg
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

Thực tế cho thấy, việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả là một hoạt động phi pháp nhưng mang lại lợi nhuận cao. Kéo theo đó, tình trạng sản xuất và kinh doanh hàng giả hiện nay diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Qua công tác thanh kiểm tra, ngành chức năng thành phố đã phát hiện, xử lý 36 cơ sở về hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại lĩnh vực dược; ra quyết định xử phạt hành chính hơn 3,5 tỷ đồng.

Trong tháng cao điểm từ 13/5–15/6/2025, Sở Y tế và các địa phương đã phát hiện, xử lý 15 cơ sở vi phạm.

Riêng Sở An toàn thực phẩm thành phố, trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 3.704 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (không tính cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống) qua đó xử phạt vi phạm hành chính 53 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 1,2 tỷ đồng.

Qua thực tiễn thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống thuốc giả, thực phẩm giả, nhiều ý kiến của các sở, ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy còn nổi lên nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Cụ thể như hệ thống quy định pháp luật liên quan sản xuất, kinh doanh và lưu hành hàng giả đã khá đầy đủ nhưng các chế tài xử phạt hành chính trong một số trường hợp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nhất là với các hành vi cố ý vi phạm, tái phạm.

img-1505.jpg
Chợ kinh doanh sỉ thuốc tây tại phường Hòa Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, khoảng trống về hậu kiểm đã ảnh hưởng việc phát hiện vi phạm cũng như công tác truy vết sản phẩm.

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, mạng xã hội, các kênh bán hàng trực tuyến và xu hướng mua sắm trực tuyến đã vô tình tạo điều kiện cho các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ xâm nhập vào chuỗi cung ứng và len lỏi đến tay người tiêu dùng, khiến hoạt động quản lý, giám sát việc quảng cáo, mua bán hàng hóa trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đề xuất sát với thực tiễn của đại diện các sở, ngành, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là điều chỉnh, bổ sung nhiều quy định còn vướng về cơ chế, chính sách hiện nay nhằm đáp ứng tốt hơn công tác đấu tranh với thuốc giả, thực phẩm giả.

Xem thêm