Khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh được quy hoạch Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh được quy hoạch Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Thúc đẩy hợp tác sâu rộng tài chính với Kazakhstan

Việc thúc đẩy hợp tác với Trung tâm Tài chính quốc tế Astana (Kazakhstan) là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm từ mô hình thành công về trung tâm tài chính hiện đại nhằm cụ thể hóa hợp tác chiến lược; đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa tầm nhìn về Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam.

Phát huy thế mạnh, tăng cường hợp tác

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế vượt trội trong việc phát triển một Trung tâm Tài chính quốc tế bao gồm: Vị trí địa lý chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, hạ tầng giao thông kết nối quốc tế, và nền tảng kinh tế vững chắc khi đóng góp khoảng 23% GDP cả nước, là nơi hội tụ các định chế tài chính hàng đầu. Đáng chú ý, tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) thuộc nhóm cao nhất khu vực, đi cùng chi phí giao dịch cạnh tranh và hệ sinh thái khởi nghiệp (startup) năng động.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn tăng tốc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế theo Nghị quyết số 222/2025/QH15 của Quốc hội chính thức có hiệu lực vào ngày 1/9/2025. Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại phường Bến Thành, phường Sài Gòn và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo định hướng, Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của thành phố, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, để biến tham vọng trở thành hiện thực và tăng cường thu hút nhà đầu tư, các chuyên gia tham dự Bàn tròn doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh-Astana về hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh đều cho rằng: Thành phố cần học hỏi kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) của Kazakhstan.

Ông Renat Bekturov, Thống đốc Trung tâm tài chính AIFC cho biết: Trung tâm được thành lập năm 2018, đang được xếp hạng là trung tâm tài chính hàng đầu trong khu vực Trung Á và Đông Âu theo Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI). AIFC hiện thu hút hơn 16,9 tỷ USD vốn đầu tư, tạo ra gần 10.000 việc làm, là nơi đặt trụ sở của hơn 4.000 công ty đến từ 80 quốc gia. Yếu tố then chốt tạo nên sức hút của AIFC chính là hệ thống pháp lý và tư pháp độc lập, có tòa án giải quyết tranh chấp thương mại và Trung tâm trọng tài quốc tế (CIAC) hoạt động dựa trên thông luật (common law) bảo đảm sự minh bạch và công bằng theo tiêu chuẩn quốc tế. “AIFC sẵn sàng hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh để thúc đẩy quá trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế,” ông Renat Bekturov khẳng định.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam, ông Kanat Tumysh nhấn mạnh: Chính phủ hai nước Việt Nam- Kazakhstan đang hướng tới nhiệm vụ triển khai các thỏa thuận do các lãnh đạo đề ra, với một trong số đó là mở rộng hợp tác với AIFC. Để hiện thực hóa các thỏa thuận này, hai bên tiến hành các công việc ký kết các văn kiện quan trọng, bao gồm Bản ghi nhớ Hợp tác giữa AIFC và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Kanat Tumysh cũng cho biết Đại sứ quán Kazakhstan sẽ hỗ trợ toàn diện cho các sáng kiến chung giữa AIFC và các đối tác Việt Nam; đồng thời, tin tưởng rằng những nỗ lực chung sẽ mang lại kết quả hợp tác mỹ mãn cho đôi bên.

Thiết lập kênh trao đổi thường xuyên

Chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế, ông Renat Bekturov đánh giá cao tiềm năng khi xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế của Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực; trong đó, lĩnh vực ngân hàng đã bắt đầu thâm nhập sâu vào đời sống người dân. Theo ông Renat Bekturov, để thành lập Trung tâm tài chính, việc ban hành luật là bước đi hết sức quan trọng. Đây là cơ sở pháp lý để xây dựng lòng tin cho các nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường. Ngoài ra, khi thiết lập một Trung tâm tài chính phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế nhằm bảo đảm mọi người tham gia đều hiểu và chấp nhận “luật chơi” chung. Trong giai đoạn đầu, việc thu hút các nhà đầu tư, định chế tài chính sẽ gặp nhiều khó khăn và Trung tâm tài chính có thể cần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước do chưa có nguồn thu ổn định. Một yếu tố không thể thiếu để bảo đảm hoạt động của Trung tâm tài chính là thiết lập “lưới an toàn” pháp lý. Ông Renat Bekturov cho biết, tại AIFC, một hệ thống tòa án độc lập được thành lập để xử lý các tranh chấp tài chính, tạo dựng lòng tin cho nhà đầu tư. “Khi các quyết định của tòa án được tin tưởng, rủi ro trong hoạt động kinh doanh sẽ được giảm đáng kể”, ông Bekturov nói. Đáng chú ý, thời gian đầu, AIFC đã mời các công dân Anh có chuyên môn cao làm thẩm phán để điều hành tòa án, một hình thức “nhập khẩu chuyên môn” mang tính chiến lược.

Đánh giá về kinh nghiệm thành công của AIFC, ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Mô hình thành công của AIFC chính là bài học quý báu cho Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là về: Cơ chế tài chính-pháp lý linh hoạt; mô hình quản trị độc lập, minh bạch; hạ tầng số, sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, hệ sinh thái khởi nghiệp fintech; kết nối vùng và hợp tác xuyên biên giới. Trên tinh thần hợp tác, ông Đinh Khắc Huy đã đưa ra những đề xuất cụ thể. Trước hết, Sở Tài chính mong muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tài chính-công nghệ của AIFC và Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực có thế mạnh chung như fintech, quản lý tài sản, AI và dữ liệu tài chính. Ông Đinh Khắc Huy mời gọi các doanh nghiệp Kazakhstan đến đầu tư vào dự án Trung tâm Tài chính quốc tế tại Khu đô thị Thủ Thiêm, nhất là trong việc phát triển hạ tầng số, trung tâm dịch vụ tài chính và khởi nghiệp sáng tạo. Cuối cùng, ông đề nghị thiết lập một kênh trao đổi thường xuyên giữa Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh và AIFC để làm nền tảng cho sự phối hợp sâu rộng và hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà cho rằng: Những kinh nghiệm thực tiễn của lãnh đạo AIFC về việc xây dựng và vận hành một Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, cùng với việc giới thiệu các sáng kiến như “AIFC Day,” đã mang lại cho thành phố những hiểu biết quý báu. Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hợp tác chặt chẽ với AIFC và các đối tác Kazakhstan cũng như tất cả các bên liên quan để hiện thực hóa Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Mối quan hệ hợp tác này không chỉ nâng cao vai trò của thành phố như một Trung tâm tài chính quốc tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp”.

Xem thêm