Một dự án nhà ở xã hội ở phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai.
Một dự án nhà ở xã hội ở phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh Đồng Nai mới có hơn 1.000 ha đất làm nhà ở xã hội, diện tích lớn nhất cả nước, tương ứng quy mô khoảng 50.000 căn hộ. Tuy nhiên, tiến độ cung ứng nhà ở xã hội rất chậm so với lộ trình đề ra.

Nhiều cơ chế đặc thù, đột phá thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội ban hành mới đây được trông đợi sẽ tháo gỡ điểm nghẽn, tạo thuận lợi tiếp cận chính sách, quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sáu tháng cuối năm 2025 được chính quyền tỉnh Đồng Nai xác định là đẩy nhanh tiến độ khởi công 10 dự án nhà ở xã hội đã giao chủ đầu tư, hoàn thành trong tháng 8. Đồng thời, tiếp tục rà soát quỹ đất nhà ở xã hội để triển khai thực hiện, bảo đảm đến cuối năm 2025 tỉnh hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao và Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nhà ở xã hội đạt 14.608 căn.

Dự án nhà ở xã hội khởi công mới nhất cách đây gần hai tháng là Chung cư nhà ở xã hội iDT, ở thị trấn Long Thành (nay là xã Long Thành). Nằm trong danh mục công trình điểm của ngành xây dựng, đây cũng là dự án nhà ở xã hội đầu tiên được khởi công trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Với diện tích khoảng 31,6 nghìn mét vuông, bao gồm năm khối nhà chính hơn 600 căn hộ, khối sinh hoạt cộng đồng và các tiện ích đi kèm, Chung cư nhà ở xã hội iDT đã góp phần giúp tỉnh hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội Chính phủ giao giai đoạn đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cho Đồng Nai phải hoàn thành hơn 4.200 căn nhà ở xã hội trong năm 2025. Trong sáu tháng đầu năm, toàn tỉnh khởi công xây dựng sáu dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.667 căn; thực hiện giao chủ đầu tư bảy dự án; tiếp tục rà soát 10 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư. Theo tiến độ này, dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục khởi công bảy dự án nhà ở xã hội với quy mô 10.749 căn, để hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Hiện tại, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khởi động 10 dự án nhà ở xã hội tại địa phương, ở các phường, xã: An Phước, Phước Bình, Thạnh Phú, Tân Hòa, Phước An, Long Bình, Trảng Bom, Tam Hiệp, Phước Tân. Việc làm này trực tiếp hướng đến đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người lao động thu nhập thấp, gặp khó khăn về nhà ở, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Trước mắt, vào ngày 19/8 tới, tỉnh sẽ giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu và đẩy nhanh thủ tục để có thể khởi công dự án nhà ở xã hội tại xã An Phước, diện tích khoảng 7,3 ha, quy mô 1.500 căn hộ, dự kiến đến quý II/2029 sẽ đưa vào khai thác, sử dụng.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thường xuyên quan tâm, đôn đốc đẩy nhanh phát triển loại hình nhà ở xã hội. Bắt đầu từ khâu quy hoạch bảo đảm dành đủ quỹ đất cần thiết, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, ràng buộc các dịch vụ thiết yếu như đối với dự án nhà ở thương mại. Tính toán kinh phí giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, tiến hành đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nghiêm túc công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội…

Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội đến nay chưa theo kịp nhu cầu đời sống xã hội ở địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp với lực lượng công nhân lao động chưa có chỗ ở ổn định lên đến khoảng 600 nghìn người. Nguyên nhân đã được nhận diện, bao gồm chính sách thay đổi liên tục dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện, thủ tục nhiều và thời gian thực hiện kéo dài, các điều kiện về đầu tư, vay vốn, mua bán nhà ở còn nhiều bất cập…

Việc áp dụng, phát huy hiệu quả Nghị quyết 201/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua, với nhiều nội dung mang tính đột phá, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những rào cản nêu trên, cũng như cải thiện rõ rệt tình hình. Hàng loạt cơ chế đặc thù, đột phá lần này được xem là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp, địa phương và người dân tiếp cận chính sách, quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi liên quan. Vấn đề còn lại là làm thế nào để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống một cách thực chất, giúp các dự án được triển khai bài bản, nhanh chóng, bảo đảm chất lượng công trình, sớm đưa vào phục vụ cộng đồng, trước nhu cầu thực tế đang rất cấp thiết và càng tăng lên sau khi hợp nhất tỉnh Đồng Nai kéo theo sự di chuyển của nhiều cán bộ, công chức về nơi làm việc mới thuộc Trung tâm hành chính tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhiều lần khẳng định, địa phương luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn kịp thời và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp triển khai dự án nhà ở xã hội đúng quy định, mang lại không gian sống chất lượng và ổn định cho người dân. Chính quyền tỉnh cam kết nỗ lực tối đa trong việc phát triển nhà ở xã hội đạt chất lượng, rút ngắn thời gian, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trong năm nay.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Văn Hà lưu ý: Nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn rất lớn cho nên không thể làm từ từ. Do đó, đối với loạt dự án có kế hoạch khởi công trong năm 2025, đến nay, vẫn chưa thực hiện, đề nghị các chủ đầu tư tiến hành khởi động dự án, phấn đấu động thổ xây dựng trước ngày 1/9 tới. Sở Xây dựng tổng hợp, lập tiến độ dự án, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trên cơ sở đó đề xuất nhiệm vụ đối với từng sở, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hồ sơ. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh thêm: Cần sự quyết tâm và hành động quyết liệt hơn ngay từ cấp cơ sở đối với vấn đề nhà ở xã hội, bảo đảm sản phẩm đầu ra phù hợp tiêu chí giá cả hợp lý, đem đến chất lượng sống với nhiều tiện ích cho người dân.

Xem thêm