Các đơn vị trưng bày sản phẩm chuyển đổi số tại Ngày hội AI và công nghệ thông tin được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đơn vị trưng bày sản phẩm chuyển đổi số tại Ngày hội AI và công nghệ thông tin được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Lực đẩy chiến lược để doanh nghiệp bứt phá

Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành lực đẩy chiến lược trong quá trình chuyển đổi số toàn cầu, Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn do thiếu lộ trình triển khai phù hợp, thiếu dữ liệu, cũng như thiếu năng lực triển khai từ nội bộ.

Trên thế giới, các doanh nghiệp đang áp dụng AI để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đột phá, tối ưu năng suất, giảm chi phí và tiến tới các mục tiêu chuyển đổi xanh. Tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, nhiều công ty công nghệ đã phát triển các giải pháp AI đa ngành, nhưng mức độ ứng dụng thực tế của các giải pháp mới vào trong các quy mô doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều khó khăn thường đến từ thiếu lộ trình triển khai phù hợp, thiếu dữ liệu về yêu cầu thị trường, hay dễ thấy nhất là thiếu năng lực triển khai từ nội bộ, quy trình sản xuất chưa sẵn sàng để tích hợp công nghệ mới... Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việt Nam đang có cơ hội lớn để kết hợp AI và dữ liệu lớn (Big Data) trong chiến lược phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, cần sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và các tổ chức nghiên cứu để hiện thực hóa tiềm năng này.

Tiềm năng cho doanh nghiệp khi ứng dụng AI và Big Data trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị… sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiệu quả là thấy rõ, nhưng việc ứng dụng AI và Big Data trong doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, do hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, trong khi rủi ro an ninh mạng cao; chi phí đầu tư ban đầu cao và tâm lý e ngại của các doanh nghiệp. Nguồn nhân lực còn thiếu và chưa nhận được sự hỗ trợ nhiều từ các đơn vị, ban, ngành… để doanh nghiệp ứng dụng AI và Big Data trong sản xuất để chuyển đổi xanh. Ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc điều hành TMA Innovation, Phó Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VNITO) cho biết: Kết hợp chuyển đổi số và AI không chỉ là giải pháp công nghệ mà là chuyển đổi cách thức vận hành doanh nghiệp dựa trên dữ liệu nhằm đạt mục tiêu kinh doanh.

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng AI hiệu quả trong doanh nghiệp phải bắt đầu bằng dữ liệu và chất lượng dữ liệu chuyên ngành cần được chuẩn hóa, xây dựng và làm giàu theo thời gian. AI đưa vào ứng dụng sẽ giúp tăng khả năng phân tích, tăng năng suất lao động. Phân tích dữ liệu lớn cho phép các doanh nghiệp tăng cao được năng lực cạnh tranh với yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn môi trường, tái chế và truy xuất nguồn gốc... Đây là thời điểm vàng để sử dụng AI trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ và nâng cao tương tác với khách hàng thông qua các chiến lược marketing sáng tạo, cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ AI. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ bền vững giữa thương hiệu-khách hàng nằm ở việc sử dụng AI một cách minh bạch, hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng công nghiệp 5.0, sản xuất thông minh xanh nổi lên như một giải pháp chiến lược để Việt Nam thực hiện đồng thời chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi hoàn toàn bức tranh ngành sản xuất và AI chính là động lực cốt lõi thúc đẩy sự chuyển mình này. Từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đến giảm thiểu lãng phí tài nguyên, AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà là chìa khóa để doanh nghiệp tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững. Theo dự báo, AI sẽ giúp tăng năng suất sản xuất lên 40% vào năm 2035. AI giúp tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí, giảm lãng phí, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng doanh thu. Ngoài ra, AI còn giúp doanh nghiệp dự đoán xu hướng thị trường; từ đó, điều chỉnh chiến lược kinh doanh để tối đa hóa lợi thế.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng AI và Big Data hiệu quả, mới đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với các đối tác để đào tạo cho doanh nghiệp. Các nội dung hợp tác hướng đến việc nâng cao năng lực quản lý, vận hành và triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững, số hóa. Tập trung vào đào tạo ESG (môi trường, xã hội, quản trị), chuyển đổi xanh, tài chính bền vững theo từng khu, cụm công nghiệp và nhóm ngành đặc thù tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương lân cận. Tổ chức các hội thảo, sự kiện về thương mại điện tử, truyền thông số cũng như gia tăng nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong ứng dụng AI và Big Data.

Ông Phan Phương Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter) cho rằng: Năm 2025 là năm bản lề để triển khai hàng loạt chính sách trọng điểm về công nghệ, dữ liệu và đầu tư công nghệ cao. Các chính sách mang tính định hướng như Nghị quyết số 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đã đặt nền móng vững chắc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực AI. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận đa chiều, từ xây dựng nền tảng dữ liệu, phát triển công nghệ lõi, phát triển hạ tầng công nghệ hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và AI.

Xem thêm