Y, bác sĩ tại Trạm y tế xã Thạnh An, Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.
Y, bác sĩ tại Trạm y tế xã Thạnh An, Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh từ cơ sở

Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh xác định nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Việc chủ động từ tuyến y tế cơ sở kết hợp ứng dụng công nghệ và phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng được xem là yếu tố then chốt để thành phố hình thành hệ thống phòng dịch kịp thời, hiệu quả và toàn diện.

Rút kinh nghiệm từ sau đại dịch Covid-19, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động ứng phó hiệu quả với dịch sởi bùng phát từ giữa năm 2024 kéo dài sang năm 2025. Ngay từ khi phát hiện dấu hiệu số ca bệnh tăng nhanh, các biện pháp dự phòng đã được Sở Y tế chỉ đạo triển khai đồng bộ từ giám sát ca bệnh, giám sát huyết thanh, mầm bệnh đến dự báo khả năng bùng phát dịch. Đồng thời, Sở Y tế nhanh chóng tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố công bố dịch, tổ chức tiêm vaccine diện rộng với tỷ lệ bao phủ đạt 100% đối với nhóm trẻ từ 1-5 tuổi và 99% đối với nhóm trẻ từ 6-10 tuổi. Cùng với đó, các bệnh viện tổ chức sẵn khu vực cách ly, chuẩn bị nhân lực, vật tư để điều trị hiệu quả số ca nhiễm bệnh. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động, dù tiếp nhận gần 9.700 ca bệnh, trong đó 60% từ các tỉnh chuyển về, nhưng ngành y tế thành phố đã kiểm soát được dịch sởi, không để xảy ra tình trạng quá tải hoặc lây lan diện rộng. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn trong chuyến kiểm tra phòng dịch sởi tại thành phố đã đánh giá cao mô hình phòng, chống dịch và cho rằng đây là kinh nghiệm cần nhân rộng cho các địa phương khác.

Để nâng cao hiệu quả công tác dự báo phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế thành phố đã điều chỉnh lại hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm GIS điều chỉnh lại ranh giới hành chính và tạo lại tài khoản cho 102 phường, xã mới cũng như chuyển đổi dữ liệu sang hệ thống mới. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở đã chủ động xây dựng, cập nhật lại hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm trên nền tảng quản lý sức khỏe cộng đồng và triển khai thí điểm cho các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (cũ); từ ngày 1/7 đã triển khai cho các cơ sở y tế trên toàn địa bàn mới để ghi nhận báo cáo thực hiện.

Đây là hoạt động chuyển đổi số nhằm ghi nhận những trường hợp bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Từ tháng 7/2025, hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm cho phép ghi nhận theo thời gian thực các ca bệnh tại 168 phường, xã, giúp trung tâm có thể theo dõi, phát hiện, cảnh báo dịch bệnh kịp thời, chính xác. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Nếu ở cơ sở xuất hiện một ca bệnh là phải nắm được ngay; từ dữ liệu số hóa mới có thể đưa ra dự báo, cảnh báo dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Bởi vậy, cần sự tuân thủ, phối hợp của tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, không kể công lập hay tư nhân”.

Bên cạnh chuyển đổi số, Thành phố Hồ Chí Minh xác định y tế dự phòng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Phước Lộc đề nghị ngành y tế mở rộng phối hợp với các hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội và nguồn lực y tế hưu trí để tạo sức mạnh tổng hợp, nhất là trong diễn tập, ứng phó các tình huống khẩn cấp. “Việc phát triển nhân lực, đào tạo liên tục và tổ chức mô hình diễn tập chống dịch được xem là một trong những giải pháp để củng cố năng lực hệ thống y tế cơ sở”, ông Lộc nêu.

Từ nay đến cuối năm, ngành y tế còn tập trung thực hiện một nhiệm vụ cấp thiết khác là hoàn thành triển khai bệnh án điện tử và đơn thuốc điện tử tại tất cả bệnh viện. Theo quy định của Bộ Y tế, trước ngày 30/9/2025, các bệnh viện phải triển khai xong bệnh án điện tử; trước ngày 1/10, phải có bác sĩ kê đơn thuốc điện tử. Đây là áp lực lớn khi toàn thành phố có 164 bệnh viện, bình quân mỗi ngày phải hoàn thành tại một đơn vị. Sở Y tế đang tập trung làm việc với từng cơ sở để sớm tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tiến độ mục tiêu chung.

Dữ liệu tập trung từ hệ thống bệnh án điện tử và đơn thuốc điện tử sẽ giúp ngành y tế giám sát được tình hình dịch bệnh, thống kê điều trị, đánh giá hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh tại cơ sở, từ đó đề xuất chính sách phù hợp. Thành phố Hồ Chí Minh đang thể hiện quyết tâm cao nhằm xây dựng một hệ thống phòng, chống dịch chủ động, thông minh, gắn chặt giữa y tế dự phòng và điều trị, y tế cơ sở với các bệnh viện tuyến trên; đồng thời, kết hợp giữa ứng dụng công nghệ và phát huy sức dân. Đây là xu hướng tất yếu để ngành y tế từng bước hiện đại hóa ngay từ tuyến cơ sở, hướng đến mục tiêu cốt lõi phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Xem thêm