Gắn dân vận với công tác an sinh xã hội
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 được giao quản lý vùng biển rộng lớn từ Cù Lao Xanh (tỉnh Gia Lai) đến bờ bắc cửa Định An (tỉnh Vĩnh Long) bao gồm cả quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam. Một trong những điểm sáng nổi bật trong công tác dân vận của lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 thời gian qua chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tuyên truyền, phổ biến với chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là bà con ngư dân trên các vùng biển phía nam.
Thay vì dừng lại ở công tác tuyên truyền quy định pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU, bảo vệ chủ quyền hay vấn đề an toàn hàng hải, lực lượng Cảnh sát biển đã tiếp cận hơn 9.100 tàu cá và gần 90.000 lượt ngư dân bằng sự thấu hiểu và chia sẻ. Mỗi hành động của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển không chỉ truyền đạt thông tin mà còn là cầu nối giữa pháp luật với đời sống thực tiễn của ngư dân. Đặc biệt khi xác định rõ ngư dân là chủ thể trong thế trận an ninh nhân dân trên biển, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã tổ chức hơn 50 chương trình an sinh xã hội tại những địa bàn khó khăn ven biển. Hàng nghìn phần quà, suất học bổng, xe đạp và đợt khám chữa bệnh miễn phí đã đến tay người dân với tổng giá trị hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng.
Lực lượng Cảnh sát biển còn chủ động tham gia công tác cứu hộ cứu nạn và xử lý hàng trăm tình huống khẩn cấp, trở thành chỗ dựa tin cậy cho ngư dân trong mỗi chuyến vươn khơi. Nhờ đó, mối quan hệ máu thịt quân-dân ngày càng bền chặt, ngư dân tích cực cung cấp thông tin, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại vùng biển.
Quản lý vùng biển rộng, trải dài qua hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, Hải đoàn 32 phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức 23 chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Theo Đại tá Hoàng Ngọc Thiện, Chính ủy Hải đoàn 32, công tác dân vận phải thiết thực, đúng đối tượng, đúng thời điểm, hướng đến mục tiêu giúp ngư dân yên tâm bám biển, tuân thủ pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Điểm nhấn trong công tác dân vận tại Vùng Cảnh sát biển 3 là huy động sức mạnh tổng hợp từ địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đồng thời bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng dân vận cho cán bộ, chiến sĩ trong mỗi chuyến tuần tra.
Chuyển đổi số tăng cường sức mạnh thế trận lòng dân
Nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số trong hiện đại hóa lực lượng và nâng cao hiệu quả dân vận, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phát động phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Cùng với đó phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai rộng khắp giúp phổ cập kỹ năng số cho cán bộ chiến sĩ, hướng tới xây dựng đơn vị thông minh, làm chủ công nghệ. Thượng tá Bùi Vĩnh Trân, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 khẳng định: Mọi chương trình hành động đều gắn với tình hình cụ thể của từng địa bàn, phù hợp với phong tục tập quán và nhu cầu thực tiễn của người dân ven biển. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, huấn luyện, thực thi pháp luật giúp nâng cao hiệu quả, giảm thủ tục hành chính; đồng thời, hỗ trợ tốt cho công tác dân vận, tương tác, tuyên truyền và xử lý tình huống trên biển. Đây là bước đi cụ thể nhằm hiện đại hóa lực lượng, xây dựng lòng dân trong thời đại số.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác dân vận, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tập trung vào khâu tổ chức biên soạn kỹ càng các tài liệu liên quan đến tình hình thực tế từng địa phương, khu vực quản lý. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đại tá Lê Văn Tú, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 nhấn mạnh: Phong trào thi đua có ý nghĩa quan trọng giúp khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ trong toàn đơn vị, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy; qua đó, góp phần quan trọng vào xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 theo hướng tinh, gọn, mạnh.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 triển khai phong trào “Cảnh sát biển thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” từ nay đến năm 2030, chia thành hai giai đoạn. Đến năm 2026 phải bảo đảm mục tiêu 100% cán bộ, chiến sĩ sử dụng thành thạo nền tảng số và đến năm 2030 làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, gắn liền với đó là các đề án “Xây dựng xã hội học tập trong quân đội đến năm 2030” và chương trình “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập”.