NỖI LO KHI HÈ VỀ...
Mới đây, người dân ấp Mỹ Phú, xã Hòa An, thành phố Cần Thơ bàng hoàng, xót xa khi hay tin cháu N.V.P.Q., sinh năm 2020 bị rơi xuống sông đuối nước. Chỉ phút giây bất cẩn, gia đình vĩnh viễn mất đứa con thân yêu. Từ đầu năm đến nay, riêng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (cũ) đã xảy ra 5 vụ đuối nước trẻ em. Vào dịp nghỉ hè, nguy cơ tai nạn đuối nước thường xảy ra nhiều nhất. Lúc này, trẻ có thời gian vui chơi gần môi trường nước, nhất là vùng nông thôn.
Chị Lư Thị Xel, phường Vĩnh Tường, thành phố Cần Thơ từng chứng kiến nhiều vụ đuối nước, cho nên lúc nào cũng lo lắng. Từ đầu kỳ nghỉ hè, chị luôn phải để mắt tới ba đứa con nhỏ vì phía trước nhà có kênh. Chị bộc bạch: “Tôi phải luôn trông chừng tới các con. Bởi chỉ cần một phút không chú ý, trẻ có thể ra con kênh phía trước, sẽ rất nguy hiểm”. Gia đình bà Nguyễn Thị Giúp, phường Vị Tân, thành phố Cần Thơ, luôn lo lắng theo sát hai cháu ngoại. Cả hai cháu đều biết bơi, nhưng bà luôn nhắc nhở phải cẩn thận, khi tắm sông phải có người lớn trông chừng. Bà Giúp chia sẻ: “Cha mẹ các cháu phải đi làm, việc trông coi trong dịp hè tôi phải lo. Trẻ hiếu động, tôi phải nhắc nhở thường xuyên và theo sát. Chỉ một phút không chú ý hậu quả khôn lường”.
Tâm lý chung của các gia đình không chỉ lo nguy cơ đuối nước mà còn nhiều tai nạn thương tích khác có thể xảy đến với trẻ em. Do điều kiện công việc, hoàn cảnh gia đình, không phải cha mẹ nào cũng có thể bên con cả ngày.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH ĐUỐI NƯỚC
Vợ chồng anh Võ Thanh Phong ở xã Hỏa Lựu, hằng tuần tranh thủ đưa hai con 11 tuổi và 13 tuổi đi học bơi tại Hồ bơi Bông Sen, phường Vị Tân, thành phố Cần Thơ, cách nhà hơn 5 km. Do khu vực này ít hồ bơi cho nên có rất nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến đây. Mỗi tuần có hai buổi học, từ 16-18 giờ, với mức học phí 1,2 triệu đồng/trẻ. “Giờ điều kiện đã khác, phải đưa trẻ học tại hồ bơi, có thầy dạy, nhằm trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước”, anh Phong chia sẻ.
Những năm qua, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường phòng chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước ở trẻ em. Tỉnh Hậu Giang (cũ) đã ban hành Kế hoạch chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ bị tai nạn, thương tích trên tổng số trẻ xuống còn 0,55% năm 2025 và 0,5% vào năm 2030; giảm tỷ lệ trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích trên tổng số trẻ em xuống còn 0,017% vào năm 2025 và 0,015% vào năm 2030; giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030…
Một trong những nguyên nhân tai nạn đuối nước là trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu sự giám sát của cha mẹ và người chăm sóc. Môi trường sống ở vùng sông nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước ở trẻ. Nhiều nơi nguy hiểm không có biển cảnh báo, không có chỉ dẫn, không có người cảnh giới. Vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức chấp hành quy định an toàn phòng chống đuối nước ở trẻ em; nhiều địa phương chưa quan tâm và chưa bố trí kinh phí cho công tác này. Theo Chủ tịch UBND xã Vị Thủy (thành phố Cần Thơ) Trương Trần Trọng Hiếu, những năm qua, địa phương đã triển khai các chương trình phòng chống đuối nước, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, việc đầu tư, xã hội hóa xây dựng hồ bơi dạy bơi cho trẻ vẫn khó khăn, nhất là tại những xã vùng sâu, vùng xa.
Việc tăng cường quản lý học sinh dịp hè từ gia đình, nhà trường, xã hội là rất cần thiết. Các cấp, các ngành cần quan tâm nhân rộng mô hình phổ cập bơi từ thành thị đến nông thôn. Đồng thời, tăng cường truyền thông giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng. Các địa phương cần quan tâm đầu tư nguồn lực tăng số trẻ em được dạy kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước và dạy bơi an toàn…