Theo nhiều cán bộ, nhân dân ở Cà Mau, nhất là những hộ chuyên sản xuất muối ở vùng biển các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, Long Điền (tỉnh Bạc Liêu cũ), việc hai sản phẩm muối đạt hạng OCOP 5 sao không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của diêm dân, doanh nghiệp và chính quyền trong việc giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, tạo điều kiện cho sản phẩm muối Bạc Liêu mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, mở ra một triển vọng, bước phát triển mới...
Trải qua hơn 100 năm, nghề làm muối Bạc Liêu (cũ) đã gắn bó với đời sống sản xuất và mang lại nguồn thu nhập tuy không cao nhưng khá ổn định cho diêm dân. Năm 2013, muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý”; đến năm 2020, nghề làm muối Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Theo số liệu thống kê từ ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn có bốn đơn vị cấp huyện (cũ) đã tổ chức đánh giá, phân hạng 18 sản phẩm của 10 chủ thể, nâng tổng số lên 354 sản phẩm OCOP. Trong đó, có hai sản phẩm 5 sao, 79 sản phẩm đạt 4 sao và 273 sản phẩm đạt 3 sao. Bên cạnh nghề làm muối, Hợp tác xã Doanh Điền, thuộc địa phận huyện Đông Hải, Bạc Liêu (cũ) còn sản xuất artemia (một loại ấu trùng dùng làm thức ăn trong ương nuôi ấu trùng tôm cá). “Riêng mùa khô 2024-2025, nhờ thời tiết thuận lợi cho nên artemia trúng vụ, thu về khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Riêng muối thu về lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha/năm...”, ông Trần Văn Thưa, xã viên Hợp tác xã Doanh Điền cho biết.
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất đối với gần 100 thành viên Hợp tác xã Doanh Điền, cũng như hàng trăm hộ dân sản xuất muối ở vùng biển các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, Long Điền (Bạc Liêu cũ) từ nhiều năm nay vẫn là điệp khúc buồn “được mùa, mất giá”. Thực tế hàng chục năm qua, việc sản xuất, tiêu thụ muối của diêm dân vùng ven biển này không ổn định, luôn nhiều trắc trở. Chính vì vậy, nghề làm muối ở vùng đất này ngày một “teo dần” và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ...
Thực tế chứng minh, Bạc Liêu (cũ) có lịch sử nghề làm muối từ rất lâu đời, nổi tiếng là tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối với diện tích hơn 2.400 ha. Thời kỳ nghề làm muối “lên ngôi” nhất, vào những năm 1980-1990, diện tích sản xuất muối của vùng ven biển Bạc Liêu lên đến hơn 5.000 ha. Ngày xưa, muối Bạc Liêu được gọi là muối Ba Thắc (Ba Thắc là từ cổ chỉ vùng đất nam sông Hậu), sau này dân gian còn gọi muối Bạc Liêu là muối Long Điền vì ở Long Điền có diện tích sản xuất muối nhiều nhất và nổi tiếng nhất Bạc Liêu.
Muối Bạc Liêu được nhận xét là hạt muối để lại “hậu ngọt” chứ không phải vị chát như muối ở vùng khác, nhờ vào sự ưu ái của thiên nhiên dành cho vùng đất này như: bờ biển bằng phẳng và thấp, không có các núi đá vôi ven biển, thuận lợi cho việc lấy nước biển vào các kênh mương, trảng chứa nước làm muối. Điều kiện khí hậu thuận lợi cho quá trình bốc, thoát hơi nước từ các sân phơi và quá trình kết tinh muối. Ở khu vực này, hàm lượng sét trong đất mặn sản xuất muối cao (42,19-59,43%) cho nên tránh được thất thoát nước biển giúp tăng sản lượng muối; độ mặn nước biển thuận lợi cho việc kết tinh muối nhanh và tốt. Chế độ bán thủy triều thuận lợi với hệ thống sông ngòi dày đặc, các cửa sông chính là cửa sông Gành Hào, Chùa Phật và Cái Cùng thuận lợi cho việc dẫn nước biển nhập điền.
Từ đầu tháng 3/2025 đến nay, sau khi Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu (cũ) tổ chức Festival nghề muối Việt Nam-Bạc Liêu 2025: “Hành trình 100 năm: Nghề muối-đời người”, các ban, ngành của Trung ương và địa phương có các động thái quan tâm hơn đến nghề làm muối, đến bà con diêm dân cả nước nói chung, của địa phương nói riêng. Đây là tín hiệu đáng mừng; tuy nhiên, sự chuyển biến đó vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của đông đảo người làm muối, một nghề nặng nhọc, bấp bênh...
“Một nền công nghiệp muối ở Bạc Liêu (nay là Cà Mau) nói riêng và Việt Nam nói chung là ước mơ không xa tầm tay khi có những điều chỉnh hợp lý, đầu tư đúng và quyết tâm cao. Khi ấy, nghề muối Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, đời sống diêm dân sẽ bớt vất vả. Từ sau Festival muối đã và đang “nảy nở” tư duy mới, cách nghĩ, cách làm mới. Bằng chứng sinh động mới đây là chính quyền và bà con diêm dân đã quan tâm nhân rộng diện tích sản xuất muối đạt chuẩn OCOP 5 sao...”, ông Lưu Hoàng Ly, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu (cũ) chia sẻ.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là diện tích sản xuất muối trải bạt ở các xã vùng ven biển vẫn còn rất hạn chế, chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10% tổng diện tích muối nơi đây. Để đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi sản xuất theo mô hình mới, địa phương đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ; trong đó, có đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Đề án đặt mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm muối, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. Một hạn chế nữa: Đến nay tại vùng này mới xây dựng được hai nhà máy chế biến muối với tổng công suất hơn 36.000 tấn mỗi năm. Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào công nghệ như máy sấy muối của Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Những hạt muối trắng sáng, đồng đều về kích cỡ và vị mặn thanh đã vươn xa tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và một vài nước trong khu vực...
Những người làm muối nơi đây mong muốn các bộ, ngành Trung ương và chính quyền tỉnh Cà Mau quan tâm hơn nữa đến nghề làm muối. Có chính sách đầu tư thỏa đáng về hạ tầng giao thông, góp phần vận chuyển sản phẩm hàng hóa (muối) đtược thuận lợi; đầu tư vốn cho các dự án nâng cao chất lượng sản phẩm muối, nâng cao đời sống diêm dân, nhằm góp phần hướng tới mục tiêu làm giàu từ nguồn tài nguyên “vàng trắng” của vùng ven biển có nghề làm muối hơn 100 năm ở miền cực tây nam của Tổ quốc...