Khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, đơn vị đầu tiên tại Cần Thơ triển khai hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử (EMR).
Khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, đơn vị đầu tiên tại Cần Thơ triển khai hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử (EMR).

Hướng tới hệ thống y tế hiện đại, thông minh, thuận tiện

Thời gian qua, Cần Thơ tích cực triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế. Đây là nỗ lực của thành phố hướng đến nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh, xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thông minh và thuận tiện.

Ngày 14/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; trong đó, yêu cầu tất cả bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử, hoàn thành trong tháng 9/2025. Ngày 6/6, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 13/2025/TT-BYT hướng dẫn việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Ngày 16/6, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND quyết tâm thực hiện “y tế không giấy tờ” đúng thời hạn. Giải pháp trọng tâm là khảo sát, đánh giá hạ tầng công nghệ thông tin; phát triển và ứng dụng phần mềm EMR (quản lý hồ sơ bệnh nhân), thực hiện thí điểm tại một số cơ sở để đánh giá hiệu quả; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng VNeID, tích hợp bảo hiểm, hiện diện tại các điểm khám để hướng dẫn trực tiếp...

Hiện tại, hầu hết bệnh viện tại Cần Thơ từng bước chuyển sang hồ sơ điện tử. Một số bệnh viện áp dụng EMR ở nhiều khâu. Ghi nhận tại một số cơ sở khám, chữa bệnh tại thành phố, nhiều nhân viên y tế chia sẻ: Việc áp dụng bệnh án điện tử giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ, tra cứu dễ hơn, hạn chế sai sót. Bên cạnh đó, bệnh án điện tử giúp việc kết nối dữ liệu giữa các tuyến y tế thuận lợi hơn. Mặc dù chưa hoàn toàn chuyển sang “y tế không giấy tờ”, nhưng việc sử dụng ứng dụng này đã khá phổ biến. Theo lãnh đạo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, thời gian tới, sở tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử, nhất là trong mua sắm trang thiết bị và đào tạo nhân lực.

Về phía người bệnh, ông Nguyễn Thanh Toàn (trú phường Cái Răng) cho biết, ông có một số bệnh nền, thường xuyên phải đến bệnh viện khám. Khác với việc phải mang theo rất nhiều giấy tờ như trước, giờ đến viện, bác sĩ đã nắm được hết tình hình sức khỏe của bệnh nhân qua bệnh án điện tử. Việc này rất thuận lợi với những người có bệnh mạn tính như ông Toàn.

Theo một số lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, hiện nay, việc áp dụng bệnh án điện tử còn gặp không ít khó khăn. Trong thời gian thử nghiệm hệ thống bệnh án điện tử, do nhân lực còn hạn chế cho nên nhân viên y tế phải làm song song bệnh án giấy và bệnh án điện tử, khiến khối lượng công việc tăng nhiều lần. Trong khi đó, tại một số bệnh viện, trung tâm y tế ở xa trung tâm thiếu cơ sở vật chất, hệ thống máy vi tính không bảo đảm, thiếu nhân sự am hiểu công nghệ thông tin, gây trở ngại trong triển khai bệnh án điện tử. Chưa kể, nhiều người dân, nhất là người cao tuổi, sống ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ mới. Bà Nguyễn Thị Bảy (ngụ phường Long Mỹ) cho biết: “Tôi đã hơn 70 tuổi, không quen dùng điện thoại thông minh cho nên không biết dùng ứng dụng để xem thông tin sức khỏe. Khi đến bệnh viện, nhiều khi bác sĩ hỏi cũng không biết phải trả lời như thế nào”.

Theo PGS, TS, bác sĩ Võ Tường Kha, Phó Chủ tịch Hội Sinh lý học Việt Nam, việc triển khai bệnh án điện tử là yêu cầu tất yếu trong quá trình hiện đại hóa ngành y tế, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số toàn diện. Lưu trữ thủ công theo cách truyền thống dễ gây thất lạc, tốn diện tích và nhân lực... Chưa kể, nếu người bệnh chuyển tuyến thì các bác sĩ đều có thể nhận toàn bộ thông tin điều trị trước đó. Điều này, đặc biệt quan trọng trong các trường hợp cấp cứu, giúp tiết kiệm thời gian, tránh trùng lặp xét nghiệm và giảm chi phí điều trị. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai sẽ có không ít khó khăn, nhất là những địa phương có địa bàn rộng lớn, dân số đông như Cần Thơ.

Thời gian tới, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, chuẩn hóa giao diện và cấu trúc dữ liệu giữa các phần mềm bệnh viện để bảo đảm tính liên thông. Thành phố cần ưu tiên ngân sách đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp máy chủ, mạng nội bộ và bảo mật hệ thống. Việc tổ chức các khóa đào tạo thực hành cho nhân viên y tế, nhất là ở tuyến cơ sở là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, thời gian đầu triển khai cần có tổ kỹ thuật hỗ trợ thường trực để kịp thời xử lý sự cố…

Xem thêm