Làng nghề bó chổi Mỹ An tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Làng nghề bó chổi Mỹ An tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Gìn giữ, phát triển nghề truyền thống

Hơn 50 năm qua, người dân làng nghề bó chổi Mỹ An, xã Thạnh Phú, tỉnh Vĩnh Long luôn gắn bó, giữ nghề truyền thống trước tác động của cơ chế thị trường. Giờ đây, bà con tập hợp lại thành tổ hợp tác để phát triển nghề, ký hợp đồng tiêu thụ giúp sản phẩm có đầu ra ổn định.

Sáng sớm, đến làng bó chổi Mỹ An, người dân nơi đây đã tất bật làm việc để kịp giao hàng cho thương lái. Nghề bó chổi tại đây hình thành hơn 50 năm đã giúp nhiều gia đình khấm khá, lo cho con cái học hành, đặc biệt những phụ nữ nông thôn có thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn. Bà Lê Thị Lài, 75 tuổi ngụ ấp An Hòa, xã Thạnh Phú chia sẻ: Vài chục năm trước, một số người trong xóm học được nghề bó chổi, rồi làm bán cho người quanh vùng. Rồi người này dạy lại cho người kia để hình thành làng bó chổi với hàng trăm hộ theo nghề như ngày nay. Thời điểm đó, vùng đất này nước mặn cho nên mỗi năm chỉ làm một vụ lúa mùa khi mưa xuống. Thời gian nông nhàn nhiều, người dân đã phát triển nghề bó chổi từ những cọng dừa là nguyên liệu sẵn có của địa phương để kiếm thêm thu nhập. Sản phẩm làm ra phải dùng xuồng chở qua sông Hàm Luông mới có thương lái thu mua rồi bỏ mối khắp nơi. Do nguyên liệu sẵn có, người làm chổi có lãi khá cho nên nhiều người trong xóm phát triển nghề để đưa sản phẩm đi khắp nơi... Hầu hết các công đoạn bó chổi đều làm thủ công. Để cây chổi bền, chắc thì người thợ lành nghề cần có bàn tay khéo léo kết những cọng dừa sao cho thật đều, dính chặt vào cán chổi. Đầu tiên người thợ làm mái chổi để định hình rồi bện từng cọng dừa vào bằng dây cho chắc chắn. Sau đó, làm cán chổi để tăng độ cứng, cuối cùng là cắt đầu cán chổi bằng máy và cắt đuôi chổi để thành phẩm. Một người thợ lành nghề mất khoảng 10 phút để làm ra một cây chổi hoàn chỉnh với tiền công khoảng 2.000 đồng.

Trước đây, người dân sử dụng nguyên liệu là cọng dừa sẵn có, nhưng lâu dần nguyên liệu ít đi nên phải mua từ vùng Mỏ Cày, Giồng Trôm về sản xuất. Hiện tại, một số hộ có vốn mua nguyên liệu là cọng dừa, bông cỏ, dây về làm chổi rồi giao cho thương lái. Một số hộ không có vốn thì đến làm công cũng có thêm thu nhập. Bà Trần Thị Muội từ tỉnh Cà Mau lấy chồng về xứ này được tám năm thì có đến bảy năm theo nghề bó chổi. Bà Muội chia sẻ: “Chồng tôi là ngư phủ làm thuê cho tàu đánh cá cả tháng mới về nhà một lần. Tôi ở nhà chăm sóc hai con, chăn nuôi bò để thêm thu nhập. Thời gian rảnh rỗi, tôi đi bó chổi cũng có thêm chút thu nhập. Trung bình mỗi ngày tôi bó được khoảng 30 cây chổi, thu nhập được vài chục nghìn đồng”. Nghề bó chổi không làm giàu nhưng mang lại thu nhập thêm cho chị em phụ nữ nông thôn lúc rảnh rỗi. Vì vậy, nhiều hộ theo nghề này suốt mấy chục năm dù cơ chế thị trường ảnh hưởng đến sản phẩm chổi dừa khá lớn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Em, 65 tuổi sống bằng nghề bó chổi suốt mấy chục năm qua. Gần đây, vợ chồng ông Em thuê thêm sáu nhân công để bó chổi, kịp giao cho thương lái đã đặt hàng từ trước. Ông Em cho biết: “Đây là nghề có thu nhập thêm nên ai rảnh giờ nào thì làm giờ đó. Một số hộ không đến đây bó được thì lấy nguyên liệu về nhà làm rồi giao thành phẩm, lấy tiền công. Mỗi cây chổi làm ra lãi ít nhưng nhờ làm số lượng nhiều nên nghề này đã nuôi sống rất nhiều gia đình. Những lúc hút hàng vào dịp gần Tết người dân còn làm cả ban đêm để giao cho thương lái. Bây giờ hầu như xóm nào cũng làm chổi rồi mang ra lộ lớn có thương lái thu mua, chở bằng xe tải đi tiêu thụ thuận tiện hơn nhiều so với trước đây”.

Bà Nguyễn Thị Chi, Tổ trưởng Tổ hợp tác bó chổi Mỹ An cho biết: “Trước đây, tổ hợp tác được Sở Công thương hỗ trợ mua máy cắt cán trị giá 7 triệu đồng (tổ hợp tác đối ứng 50%); Dự án AMD (Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long) hỗ trợ 60 triệu đồng để cất nhà xưởng cho chị em trong tổ có nơi tập trung để làm việc. Hiện, Tổ hợp tác có 10 thành viên, mỗi ngày sản xuất được khoảng 400 cây chổi các loại gồm: chổi bông cỏ, chổi tàu dừa, chổi cọng dừa… Sản phẩm chổi được ký hợp đồng tiêu thụ cho nên chị em trong tổ không lo đầu ra”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Phú Bùi Thị Liên Thư cho biết: “Làng nghề bó chổi Mỹ An đã tạo việc làm, thu nhập cho nhiều phụ nữ tại địa phương. Trước đây, Trung tâm dạy nghề thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp đào tạo nghề bó chổi cho chị em phụ nữ. Gần đây, hầu hết chị em đều rành nghề nên chủ yếu người đi trước dạy cho người sau để tiếp tục giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương. Hiện tại, làng nghề có một tổ hợp tác của các chị em liên kết lại với nhau để phát triển, mở rộng sản xuất. Định hướng của địa phương trong thời gian tới nâng lên hợp tác xã, xây dựng thương hiệu, phát triển thành sản phẩm OCOP nhằm giúp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm chổi. Từ đó, giúp chị em an tâm sản xuất, phát triển bền vững làng nghề truyền thống...”.

Xuất phát làng nghề bó chổi Mỹ An ở ấp An Hòa giờ đã mở rộng ra các ấp khác, như: Thạnh Hưng, An Bình, An Khương, Thạnh Mỹ… với 40 cơ sở, hộ sản xuất đã giải quyết việc làm cho trên 500 lao động. Mỗi ngày, làng nghề sản xuất ra hàng nghìn sản phẩm được thương lái đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Năm 2011, làng nghề bó chổi Mỹ An được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Bến Tre (cũ). Năm 2012, sản phẩm của làng nghề được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đến năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chổi Mỹ An”, giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm. Từ đó, bà con làng nghề có cơ hội mở rộng thị trường, không chỉ giữ gìn nghề truyền thống mà còn giúp sản phẩm được tiêu thụ ổn định hơn

Xem thêm