Đơn vị đã hai lần vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ THỜI CHIẾN
Năm 1964, Bệnh viện Quân y 121, tiền thân là Quân y viện Z12 được thành lập từ sáp nhập hai Bệnh xá 320, C50 và hai Đội phẫu thuật F42, F48, đóng quân tại rạch Bà Thầy, sông Cái Tàu thuộc xã Nguyễn Phích, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau (cũ). Ban đầu, bệnh viện do Đại tá, bác sĩ Nguyễn Công Thiện làm Viện trưởng với quân số khoảng 135 cán bộ, nhân viên và có khả năng tiếp nhận 180-200 thương, bệnh binh. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đang bước vào thời kỳ khó khăn, khốc liệt nhất. Bệnh viện có nhiệm vụ cấp cứu và điều trị cho cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường miền nam. Đến cuối năm 1966, Quân y viện Z12 chuyển đổi mật danh thành V.121 cùng các phân viện mang tên V.121A, V.121B.
Trải qua các giai đoạn cách mạng, bệnh viện có nhiều thành tích trong cứu chữa thương, bệnh binh. Sau khi thành lập mới, V.121 đã cứu chữa hơn 2.820 thương, bệnh binh; trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, đơn vị cứu chữa cho hơn 1.200 thương, bệnh binh và lần đầu phương thức kết hợp quân-dân y để bảo đảm quân y thời chiến được vận dụng, phát huy rất hiệu quả tại chiến trường Tây Nam Bộ lúc bấy giờ. Kết thúc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, bệnh viện đã cứu chữa hơn 2.500 thương, bệnh binh. Đến sáng 1/5/1975, bộ phận tiền phương của V.121A do bác sĩ Nguyễn Công Thiện dẫn đầu đã tiếp quản Quân y viện Phan Thanh Giản của địch tại Cần Thơ và là cơ sở đóng quân của Bệnh viện Quân y 121 cho đến ngày nay, phát triển thành cơ sở y tế đa khoa hạng I, trực thuộc Cục Hậu cần-Kỹ thuật, Quân khu 9.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cán bộ, chiến sĩ và công nhân viên Bệnh viện Quân y 121 lại đứng trước những thử thách mới, phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Trong 10 năm (1979-1989), cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Quân khu 9 làm nghĩa vụ quốc tế, thương, bệnh binh rất nhiều. Vừa nỗ lực vượt mọi khó khăn, thiếu thốn để cứu chữa thương, bệnh binh; đồng thời, bệnh viện đã cử bảy đội điều trị, 11 đội phẫu thuật dã chiến, 22 tổ phòng, chống sốt rét, bốn tổ chuyên gia với hơn 350 lượt cán bộ, chiến sĩ lên đường sang nước bạn Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Quân y 121 cho biết: Thời kỳ này, bệnh viện nhanh chóng chuyển sang phục vụ thời chiến. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện kỹ thuật ưu tiên phục vụ chiến trường Tây Nam, bộ phận ở lại Cần Thơ thường xuyên tiếp nhận số lượng thương, bệnh binh cao gấp 8-10 lần số giường quy định. Các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngày đêm túc trực bên giường bệnh để chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân. Buồng mổ hoạt động liên tục 24/24 giờ, mọi lực lượng phương tiện được huy động tối đa.
Vừa phục vụ thương, bệnh binh, bệnh viện vừa đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu. Cán bộ đơn vị đã có hơn 250 đề tài khoa học giá trị trong ứng dụng thực tiễn lâm sàng; đào tạo ra trường hơn 150 y sĩ, 200 y tá, 14 dược tá, 30 nha tá và 55 kỹ thuật viên xét nghiệm sơ cấp. Nếu như khi mới thành lập, đơn vị có không đến 10 bác sĩ thì giai đoạn này, bệnh viện đã có rất nhiều bác sĩ, dược sĩ với trình độ đại học, sau đại học...
ĐỊA CHỈ KHÁM CHỮA BỆNH TIN CẬY CỦA NGƯỜI DÂN
Đến thăm Bệnh viện Quân y 121, chúng tôi được Thượng tá Huỳnh Quốc Việt, Chủ nhiệm Chính trị bệnh viện đưa đi tham quan và giới thiệu các khu chức năng mới được đầu tư xây dựng thay thế cho các khối nhà dã chiến trước kia để lại. Giờ đây, quy hoạch tổng thể bệnh viện theo định hướng hiện đại và chuyên sâu, đầu tư nhiều trang thiết bị và hệ thống giao thông, khuôn viên liên hoàn rộng rãi thoáng mát với tổng diện tích xây dựng hơn 30.000 m2. Bệnh viện khang trang, sạch, đẹp và hiện đại hơn rất nhiều.
Tại Khu điều trị nội trú, Đại tá Bùi Lưu, nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 9, từng là bệnh nhân của bệnh viện từ thời trai trẻ, chia sẻ: “Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi tham gia nhiều trận đánh rất ác liệt; tôi bị thương và được các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 121 cứu chữa. Cả cuộc đời tôi luôn được bệnh viện chăm sóc, điều trị chu đáo. Tôi rất mừng khi thấy trang thiết bị y tế và tay nghề của y, bác sĩ ở đây được thay đổi rất nhiều. Nhưng điều trân quý nhất là nghĩa đồng chí, tình đồng đội luôn còn mãi”.
Tại Khoa Chạy thận nhân tạo, nhiều máy móc thiết bị chuyên dùng hiện đại được đầu tư thêm, được bố trí một cách khoa học. Bệnh nhân rất an tâm khi được cán bộ, chiến sĩ bệnh viện điều trị... Bà Văn Thị Hồng Duyên, phường Cái Khế, thành phố Cần Thơ hơn 5 năm qua thường xuyên đến bệnh viện lọc thận, cho biết: “Các y, bác sĩ ở đây luôn tạo điều kiện, chăm sóc bệnh nhân chu đáo. Trang thiết bị máy móc bây giờ nhiều và tốt lắm. Bệnh nhân lọc thận dù phát sinh vấn đề gì đều được xử lý kịp thời, không cần phải chuyển viện mất thời gian và tốn kém”.
Hiện nay, Bệnh viện Quân y 121 có tổng số hơn 540 cán bộ, nhân viên; trong đó, hơn 170 bác sĩ và dược sĩ đại học, hơn 70% có trình độ sau đại học, hơn 80% số điều dưỡng có trình độ cao đẳng trở lên, tổ chức thành 36 khoa ban, khám bệnh trung bình hơn 1.000 lượt bệnh nhân và điều trị nội trú hơn 500 bệnh nhân mỗi ngày cho tất cả đối tượng. Thượng tá Huỳnh Quốc Việt cho biết: Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện thường xuyên quan tâm, kiện toàn cấp ủy các cấp. Đơn vị không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo; giáo dục nhận thức chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, truyền thống, y đức gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập thể bệnh viện quyết tâm thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe thương, bệnh binh và nhân dân với phương châm: “Giữ gìn y đức, nâng cao y thuật, chủ động sáng tạo, đoàn kết quân dân, lập công quyết thắng”.
Hằng năm, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân. Bên cạnh đó còn hỗ trợ, giúp đỡ Trung tâm y tế một số tuyến huyện (cũ) nay là xã, phường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về kỹ thuật chuyên môn và trang thiết bị; thực hiện chính sách với thương binh, liệt sĩ, người có công và chính sách hậu phương quân đội. Thời gian qua, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, khám điều trị, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm nghìn lượt đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ... Nhờ vậy, đã tạo được niềm tin yêu của thương, bệnh binh và nhân dân trong khu vực.
Trong hành trình xây dựng và phát triển, Bệnh viện Quân y 121 đã ghi những mốc son trong trang sử vàng truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Hai lần tập thể được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho những thành tích trong chiến tranh và hòa bình (năm 1976 và 1998), sáu cá nhân được nhận danh hiệu Anh hùng, hai đồng chí được phong quân hàm cấp tướng, ba đồng chí được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, 54 đồng chí được tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và quân đội cho tập thể và cá nhân.