Không chỉ kể chuyện xưa mà qua những câu chuyện, tác giả còn khéo léo kết nối giữa quá khứ với hiện tại dưới góc nhìn của người làm báo chuyên nghiệp về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa vùng đất này.
Sách dày 260 trang do Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 6/2025, được giới văn nghệ sĩ đất Tây Đô đánh giá cao về nội dung, văn phong gần gũi đậm chất Nam Bộ.
Nhà báo Vũ Thống Nhất, nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà văn thành phố Cần Thơ nhận xét: Nội dung sách khá phong phú gồm: Di sản kiến trúc và đô thị hóa (chợ Hàng Dương, địa danh Tân An…), kiến trúc cổ đặc sắc (đình, chùa, miếu); Di sản văn hóa phi vật thể (Hò Cần Thơ, gánh hát Tập Ích Ban…), tín ngưỡng địa phương (huyền tích về Ông Dựa, Ông Hổ…); Nhân vật lịch sử-văn hóa tiêu biểu (Đinh Sâm, Phan Văn Trị, Phan Ngọc Hiển, người đưa “Dạ cổ hoài lang” lên sân khấu cải lương”, Danh sư đờn tranh…); Góc nhìn đời sống xã hội (hơn 100 năm trước, người Cần Thơ ăn Tết ra sao, máy cày xuất hiện thế nào…); biến đổi địa danh (Búng Xáng, Bình Thủy…).
Người đọc trân trọng cách tác giả tiếp cận nghiêm túc, đam mê, đa thể loại (khảo cứu lịch sử, du ký, ghi chép văn hóa dân gian…); sắp xếp liên hoàn mà vẫn tạo được mạch kết nối xuyên suốt (từ đô thị hóa, di sản kiến trúc, nhân vật lịch sử đến văn hóa nghệ thuật…); văn phong mềm mại, dễ đọc. Đặc biệt, rất nhiều bài không dừng ở dạng sưu khảo (vốn rất cần nguồn tư liệu gốc, quý hiếm, đầy đủ, chính xác…) mà được nâng lên biên khảo, thể loại cần đạt cả “tân” (mới mẻ) và “thâm” (sâu sắc), có góc nhìn riêng, dẫn chứng đa chiều, lập luận logic, chặt chẽ…
Các bài viết: “Cần Thơ xưa qua tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh” phục dựng lịch sử qua văn học, phân tích bối cảnh xã hội qua ngôn ngữ văn chương, lật ngược quan điểm “văn chương thuần giải trí”. “Rêu phong đình Thạnh Hòa”, “Chuyện bảo tồn di sản Bùi Hữu Nghĩa thuở trước”... không chỉ kết nối quá khứ-hiện tại còn mang tính cảnh báo nguy cơ mai một di sản, rất cần lưu ý trong bảo tồn ký ức đô thị sông nước, trung tâm vùng châu thổ Cửu Long.
Sách còn giới thiệu khá chi tiết gánh hát đầu tiên của Cần Thơ là Tập Ích Ban thành lập năm 1921 ở quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên nay là thành phố Cần Thơ. Từ gánh hát này xuất hiện soạn giả tài danh là cụ Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953) người được giới nghệ sĩ cải lương tôn là hậu tổ cải lương, người đầu tiên đưa bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu lên sân khấu cải lương.
Đất Cần Thơ còn có hai nghệ sĩ rất tài danh là Nghệ sĩ Nhân dân Tám Danh (Nguyễn Phương Danh) người đầu tiên biểu diễn tuồng ở Pháp năm 1931 và soạn giả Điêu Huyền (tên thật Phạm Văn Điều) là tác giả những tuồng cải lương nổi tiếng, như: Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn Hào hoa, Tìm lại cuộc đời… vang danh một thời được nhiều thế hệ biết đến. Hai nghệ sĩ này sinh hoạt trong Ban đờn ca tài tử Ái Nghĩa, sau tham gia hoạt động cách mạng và giữ nhiều vị trí quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương Nam Bộ.
Nhà báo Vũ Thống Nhất cho rằng: Phần lớn các công trình biên soạn lịch sử-văn hóa Cần Thơ hiện có thường tập trung vào các giai đoạn lịch sử xa xưa, các cuộc chiến tranh, các sự kiện lớn, nhân vật kiệt xuất hoặc các nét văn hóa truyền thống mang tính khái quát. Tuy nhiên, những câu chuyện gần gũi đời thường, góc khuất và sự biến đổi xã hội thường ít được đề cập sâu (hoặc chưa được biên soạn một cách hệ thống và hấp dẫn) dù đây vẫn là nội dung được người đọc mong chờ. Và “Dấu xưa Cần Thơ” đã tiếp cận, phản ánh, lấp được phần nào khoảng trống đó. Những câu chuyện nhỏ, những phong tục tập quán bình dị (Dấu xưa vườn Thầy Cầu, Búng Xáng và địa danh có thành tố “Búng” ở Đồng bằng sông Cửu Long, Máy cày ở Cần Thơ hơn trăm năm trước…) lại chính là yếu tố tạo nên bản sắc độc đáo đất Cần Thơ.
Ngoài đam mê lịch sử, văn hóa, vùng đất con người Cần Thơ, tác giả sách là người có gần 20 năm làm báo chuyên nghiệp cho nên có điều kiện đi thực tế, tiếp xúc nhiều nhân vật, dữ liệu lịch sử nên phần lớn những bài viết có sự kết nối giữa lịch sử và hiện thực. Tác giả Đăng Huỳnh chia sẻ: “Cuốn sách ra đời với mong muốn cung cấp cho bạn đọc thêm nhiều dữ liệu mới, độc đáo của vùng đất Cần Thơ xưa gắn với đời sống thực tại. Tôi hy vọng sách như mạch nguồn kết nối và lan tỏa văn hóa đất Tây Đô để mọi người thêm yêu văn hóa, lịch sử vùng đất này, góp phần phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống”. Tác giả cho biết: Thời gian tới, sách sẽ được số hóa để đông đảo độc giả có thể tiếp cận, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong công chúng