Là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho nên nguồn vốn đầu tư công năm 2025 của Cà Mau khá lớn, với hơn 12.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn bình quân 3.100 tỷ đồng và gấp khoảng 1,35 lần so với kế hoạch vốn của năm 2024.
NỖ LỰC THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Trong sáu tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh Cà Mau mới giải ngân được hơn 3.100 tỷ đồng, chỉ đạt gần 26% kế hoạch. Một số đơn vị có nguồn đầu tư lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp như: Ban Quản lý công trình xây dựng với hơn 2.800 tỷ đồng, đến cuối tháng 6/2025 chỉ giải ngân được hơn 411 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Bạc Liêu (cũ) với hơn 1.400 tỷ đồng, mới giải ngân chỉ được hơn 70 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bạc Liêu (cũ) với hơn 1.000 tỷ đồng, mới giải ngân được hơn 126 tỷ đồng…
Đáng chú ý, trong gần 50 chủ đầu tư tại Cà Mau, có 17 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn mức trung bình của tỉnh (Ban Quản lý khu kinh tế giải ngân được 380 triệu đồng trong tổng nguồn 22 tỷ đồng; Sở Nông nghiệp và Môi trường có tỷ lệ giải ngân 1,7% trong tổng nguồn vốn hơn 81 tỷ đồng…). Có đến sáu chủ đầu tư chưa giải ngân gồm: Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bệnh viện Quân dân y Bạc Liêu, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu…
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau Trần Công Khanh, một trong những khó khăn hiện nay là sau khi giải thể cấp huyện và thành lập ban quản lý dự án khu vực, mặc dù khối lượng thi công vẫn được triển khai theo tiến độ, nhưng tỷ lệ giải ngân lại không có nhiều chuyển biến. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc về thủ tục pháp lý. Bên cạnh đó, một số dự án lớn, quan trọng của tỉnh có tiến độ thực hiện chậm, như: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường; Dự án kè bờ sông thành phố Bạc Liêu (cũ); Dự án kè chống ngập dọc tuyến Quốc lộ 1A; Dự án Khu neo đậu tránh trú bão và bến cá Cái Cùng; Dự án xây dựng, nâng cấp đê biển Đông cấp bách chống biến đổi khí hậu tỉnh Bạc Liêu (cũ)…
Tại hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sau hợp nhất tỉnh ngày 11/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại chỉ rõ tiến độ giải ngân một số dự án lớn của tỉnh vẫn còn chậm do chủ đầu tư chưa quyết tâm, chưa làm hết trách nhiệm. Đã cam kết với người đứng đầu cấp ủy và chính quyền thì phải quyết tâm thực hiện, phải thấy được kết quả...
CẦN QUYẾT LIỆT HƠN NỮA
Sáu tháng còn lại của năm 2025, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Cà Mau khá lớn, với hơn 8.800 tỷ đồng, rất cần các giải pháp khẩn trương, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Sở Tài chính tỉnh Cà Mau đề ra bảy nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng các biện pháp mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân tại năm Ban quản lý dự án cấp tỉnh (ngoại trừ Ban Quản lý dự án nông nghiệp) sau khi hợp nhất, vì các đơn vị này quản lý hơn 80 % tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau thành lập các tổ công tác, phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách theo dõi, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo từng dự án, công trình, nhất là các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Tới đây, Cà Mau thành lập thêm tổ công tác chuyên môn, gồm lực lượng tại các ngành, ban quản lý dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, tỉnh tập trung tháo gỡ vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng, yếu tố đang khiến giá cả bị đẩy lên, ảnh hưởng trực tiếp tiến độ thi công các dự án; công bố bảng giá đất tại cơ sở, phát huy vai trò trung tâm phát triển quỹ đất trong việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thúc đẩy triển khai dự án…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại, đối với các công trình, dự án mang tính liên phường, liên xã thì cần chuyển giao cho ban quản lý dự án khu vực hoặc ban quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh để quản lý và điều hành. Riêng các công trình, dự án trước đây thuộc địa bàn xã, phường nào và sau khi sáp nhập vẫn nằm trong phạm vi xã, phường mới tương ứng thì sẽ do ban Quản lý dự án của xã, phường đó tiếp tục quản lý. Các sở, ngành và đơn vị cấp tỉnh phải chủ động phân công cán bộ hỗ trợ cơ sở với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Mỗi khâu công việc, mỗi nhiệm vụ cần được thực hiện với tư duy đổi mới, hành động thực chất, bám sát thực tiễn và đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Mỗi cá nhân, bộ phận, cơ quan phải nâng cao ý thức trách nhiệm, kịp thời điều chỉnh cách làm phù hợp, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của cơ sở để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau sau hợp nhất phấn đấu tăng trưởng năm 2025 từ 8,5%. Để đạt mục tiêu nêu trên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, góp phần nâng cao đời sống người dân