Một mảnh thiên thạch Mặt Trăng hiếm có với tuổi đời khoảng 2,35 tỷ năm, vừa được các nhà khoa học Anh công bố, đang làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về hoạt động núi lửa trên Mặt Trăng.
Được phát hiện tại châu Phi năm 2023 và đặt tên là Northwest Africa 16286, mẫu đá đặc biệt này lấp đầy khoảng trống kéo dài gần một tỷ năm trong hồ sơ địa chất Mặt Trăng.
Phát hiện được công bố tại Hội nghị Hóa học Địa chất Goldschmidt ở Prague, cung cấp bằng chứng cho thấy Mặt Trăng từng duy trì các nguồn nhiệt bên trong lâu dài hơn nhiều so với giả thuyết trước đây.
Nhóm nghiên cứu Đại học Manchester đã phân tích thành phần đồng vị chì, xác định thời điểm hình thành khối đá vào khoảng 2,35 tỷ năm trước, khiến nó trở thành thiên thạch núi lửa trẻ nhất từ Mặt Trăng được tìm thấy trên Trái Đất.
Mẫu vật này thuộc loại bazan núi lửa giàu olivin, chứa các tinh thể olivin lớn, hàm lượng kali cao và titan trung bình. Đặc biệt, dấu vết đồng vị chì trong đá cho thấy nó hình thành từ một nguồn vật chất sâu bên trong Mặt Trăng, có tỷ lệ urani/chì bất thường - yếu tố có thể liên quan đến cơ chế phát sinh nhiệt lâu dài nhờ các nguyên tố phóng xạ phân rã từ từ.
Tiến sĩ Joshua Snape, Đại học Manchester, chia sẻ: “Các mẫu đá thu được từ các sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng rất quý giá, nhưng chúng chỉ phản ánh khu vực quanh điểm hạ cánh. Trong khi đó, thiên thạch Mặt Trăng có thể bắt nguồn từ bất kỳ nơi nào trên bề mặt, nhờ va chạm thiên thạch làm văng vật chất ra ngoài không gian. Mẫu đá này rơi xuống Trái Đất hoàn toàn ngẫu nhiên, mang lại hiểu biết mới về địa chất Mặt Trăng mà không cần tiêu tốn chi phí khổng lồ cho các sứ mệnh không gian.”
Theo các nhà nghiên cứu, tuổi của khối đá đặc biệt quan trọng vì nó nằm giữa khoảng thời gian các sứ mệnh Apollo, Luna và Thường Nga 6 (mẫu đá già hơn) và sứ mệnh Thường Nga 5 của Trung Quốc (mẫu đá trẻ hơn).
Phân tích cho thấy hoạt động núi lửa không chỉ diễn ra trong các thời kỳ được biết đến trước đây, mà còn kéo dài suốt giai đoạn dài hơn một tỷ năm.
Tiến sỹ Snape nói thêm: “Mẫu đá này không chỉ lấp đầy khoảng trống lịch sử mà còn gợi ý rằng quá trình sản sinh nhiệt bên trong Mặt Trăng vẫn kéo dài, có thể nhờ sự phân rã phóng xạ.”
Thiên thạch nặng 311 gram này là một trong 31 bazan Mặt Trăng từng được xác nhận trên Trái Đất. Đặc điểm cấu tạo gồm những túi thủy tinh nóng chảy và các vệt nứt gãy cho thấy nó từng bị một vụ va chạm thiên thạch mạnh trên Mặt Trăng làm biến đổi, trước khi bị văng ra không gian và rơi xuống châu Phi.
Vụ va chạm này cũng khiến việc xác định tuổi của đá trở nên phức tạp hơn, nhưng nhóm nghiên cứu ước tính tuổi mẫu với sai số khoảng ±80 triệu năm.
Nghiên cứu được Hội Hoàng gia Anh tài trợ và dự kiến sẽ được công bố đầy đủ trên tạp chí khoa học sau bình duyệt vào cuối năm nay. Các nhà khoa học kỳ vọng, nhờ mẫu thiên thạch này, các sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng trong tương lai có thể xác định thêm những điểm hạ cánh tiềm năng để tiếp tục khám phá lịch sử địa chất phong phú của vệ tinh duy nhất của Trái Đất.