Susan Namangale
Susan Namangale

Những nước cờ thay đổi nhiều số phận

Nói đến các vận động viên cờ vua, người ta thường nhắc tới trí tuệ và khả năng tính toán, hoặc thậm chí là lối sống ẩn dật. Song Susan Namangale, nữ kỳ thủ Malawi, lại không chọn con đường ấy.

Một tình yêu được gieo mầm từ sớm

Khi còn là một cô bé, nếu hầu hết bạn bè cùng trường dùng tiền tiêu vặt để mua đồ ăn và những món quà nhỏ, Susan Namangale lại có một quyết định bất ngờ với số tiền ít ỏi mình có. Cô và một vài người bạn đã góp tiền để mua hai bàn cờ vua cho ngôi trường của họ.

“Nếu hồi đó mẹ tôi biết tôi đã làm gì với tiền tiêu bà cho, tôi chắc chắn sẽ gặp rắc rối. Đó là quãng thời gian đặc biệt khó khăn với chúng tôi”, Susan Namangale chia sẻ, trong bộ vest đen, áo sơ-mi trắng và cà-vạt kẻ ô, một bộ trang phục gợi nhớ đến môn cờ vua mà bà vô cùng yêu thích. “Nhưng đó là điều làm tôi thật sự hạnh phúc”.

Giờ đây, ở tuổi 49, Susan Namangale vẫn đang nỗ lực thay đổi quan niệm rằng cờ vua chỉ dành cho giới tinh hoa. Bà đã giới thiệu môn cờ vua đến các trường học nông thôn, nhà tù và một số cộng đồng khó khăn nhất trên thế giới tại Malawi. “Cờ vua là dành cho tất cả mọi người”, bà nói.

Lần đầu tiên Susan Namangale tiếp xúc với cờ vua là vào năm chín tuổi. Trong một kỳ nghỉ hè, người chị gái lớn Gladys của bà trở về nhà với một hộp cờ, món quà nhận được nhờ thành tích xuất sắc trong môn toán ở trường trung học. Gladys bắt đầu dạy Susan những kiến thức cơ bản về cờ vua, nhưng sau khi chị trở lại trường, cô em gái nhỏ không còn ai để chơi cùng ở Chombo, một ngôi làng hẻo lánh ven hồ Malawi. “Không ai ở làng tôi từng nhìn thấy một bàn cờ vua. Nó rất xa lạ đối với họ”, Susan Namangale nhớ lại.

Bất chấp hoàn cảnh đó, Namangale vẫn tích cực chơi cờ vua ở trường trung học và tham gia các giải đấu. Bà tiếp tục chơi cờ trong suốt thời gian học đại học, nơi bà là một trong hai phụ nữ hiếm hoi trong CLB cờ vua của trường. “Sau khi bắt đầu đi làm, tôi vẫn tham dự các giải cờ ở khắp nơi”, bà kể.

Dù vậy, việc cân bằng cờ vua với công việc và trách nhiệm của một người vợ, người mẹ ngày càng khó khăn. “Cuối cùng, tôi đành phải ngừng thi đấu chuyên nghiệp để tập trung vào công tác quản lý và vận động cho sự phát triển của cờ vua”, bà chia sẻ.

Những nước cờ chấp nhận rủi ro

Quyết định đó đã đưa Susan Namangale đến vị trí Chủ tịch Hiệp hội Cờ vua Malawi, một cương vị mà bà nắm giữ từ năm 2018 đến 2022. Hiện tại, bà đang đảm nhận vai trò điều phối phát triển của Liên đoàn Cờ vua Quốc tế tại 10 quốc gia Nam Phi. Nhưng để đi đến ngã rẽ cuộc đời này, Susan Namangale đã làm điều mà nhiều người cho là điên rồ.

Từng giữ nhiều vai trò quản lý tại các công ty năng lượng và viễn thông cũng như Ngân hàng Thế giới, nhưng năm 2023, bà quyết định nghỉ việc để cống hiến hoàn toàn cho việc “phủ sóng” cờ vua khắp Malawi. “Cả cuộc đời tôi là những lần chấp nhận rủi ro”, bà cười.

Trên hành trình mới, “nước xuất quân” của Namangale là thành lập các CLB cờ vua ở những trường học nông thôn. Đến nay, có hơn 150 CLB như vậy trên khắp Malawi. Lexon Ndalama, một nhà hoạt động giáo dục ở Malawi cho biết: “Việc có nhiều CLB cờ vua hơn rất tốt đối với học sinh, vì nó thúc đẩy khả năng phân tích và tư duy toán học cho các em. Cờ vua cũng dạy các em tính kỷ luật, khả năng quản lý và lãnh đạo”.

Nước đi tiếp theo của Susan Namangale cũng được triển khai cùng năm, khi bà dùng tiền tiết kiệm của mình để thành lập Học viện Cờ vua Dadaz ở thủ đô Lilongwe. Đến nay, học viện đã tuyển sinh 110 trẻ em, bao gồm cả học sinh có trả phí và học miễn phí. Các em từ năm tuổi có thể bắt đầu học cờ vua ở đây, và chúng cũng có thể tham gia các lớp cờ và thậm chí, cả các lớp nhạc, sau giờ học.

Đi xa hơn nữa, Namangale thành lập một mái ấm ở Lilongwe, nơi trẻ em đường phố, thường là trẻ mồ côi hoặc vô gia cư, tụ tập để học đánh cờ. “Chúng thường đến trong tình trạng đói lả”, bà cho biết. “Thức ăn là thứ chúng cần nhất; do đó, một số thậm chí không thèm đoái hoài đến bàn cờ”.

Biết rằng mình không thể đủ khả năng cung cấp thức ăn đầy đủ cho lũ trẻ, bà đã hợp tác với một tổ chức từ thiện thiết lập một sáng kiến có tên “Cờ vua và Nsima” - một loại cháo đặc, là món ăn chủ yếu ở Malawi - để khuyến khích nhiều trẻ em tham gia, bằng cách cung cấp cho chúng bữa ăn cùng với các bài học cờ vua. “Một số em hiện đã có thể dạy những đứa trẻ khác đánh cờ”, Stanford Chibambo, một huấn luyện viên tại Học viện Dadaz tự hào cho biết.

Cờ vua thay đổi số phận

Những nỗ lực của Susan Namangale đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Năm 2024, bà được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Gift of Chess, một tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu phân phát một triệu bàn cờ vua trên toàn thế giới vào năm 2030. Nhờ sự thúc đẩy của bà, 2.000 bộ cờ vua đã được phân phát trên khắp Malawi. Ngoài ra, với việc tham gia sáng kiến toàn cầu mang tên Chess for Freedom, Namangale cũng đang giới thiệu môn cờ vua tới các... nhà tù tại Malawi, như một công cụ cải tạo phạm nhân.

“Khi bạn chơi cờ, bạn có thể mắc lỗi. Nhưng một lỗi không khiến bạn trở thành kẻ thua cuộc”, bà nói. “Bạn vẫn có thể thực hiện một nước đi tốt hơn và giành chiến thắng. Đó là thông điệp mà tôi mang đến, để các tù nhân biết rằng họ có thể thực hiện một bước đi khác và thay đổi số phận”. Sau khi mãn hạn tù, một số phạm nhân đã nhận được bộ cờ vua từ bà, như lời động viên họ làm lại cuộc đời.

Nhưng nước cờ lớn nhất và có tính quyết định của Susan Namangale là vận động Bộ Giáo dục Malawi đưa cờ vua trở thành môn bắt buộc trong chương trình giảng dạy tiểu học và trung học. “Cờ vua dạy các kỹ năng sống quan trọng, chẳng hạn như lập kế hoạch”, bà nói. “Học sinh cần lập kế hoạch cho tương lai từ khi còn bé”.

Mục tiêu ấy vẫn cần thêm thời gian và nhiều công sức để thành hiện thực. Trước mắt, Namangale tận hưởng niềm vui bằng cách đến thăm các trường học ở nông thôn, để xem những CLB cờ do mình thành lập đang tiến triển thế nào. Cứ mỗi lần gặp gỡ, những đứa trẻ lại nhắc bà nhớ về cô bé Susan đầy tò mò nhưng có rất ít phương tiện tiếp xúc với thế giới ngày xưa.

“Nếu một cô gái từ ngôi làng hẻo lánh như tôi có thể trở thành nhà lãnh đạo cờ vua toàn cầu, thì một triệu người khác sẽ làm được những gì, nếu họ có một bàn cờ vua?”, bà hỏi, và cũng tự trả lời cho mục đích của đời mình, với ánh mắt lấp lánh nhìn về những bàn cờ đầy ắp tiếng cười của lũ trẻ.

nu-ky-thu-co-vua-malawi-anh-2.jpg
Susan Namangale, bên bàn cờ và những đứa trẻ nghèo Malawi.

Xem thêm