Luật Quốc tịch sửa đổi mở rộng thêm cánh cửa cho các vận động viên Việt kiều và nhập tịch. Ảnh: LÊ MINH
Luật Quốc tịch sửa đổi mở rộng thêm cánh cửa cho các vận động viên Việt kiều và nhập tịch. Ảnh: LÊ MINH

Nhìn từ “cánh cửa” nhập tịch

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7. Với những điều khoản thông thoáng hơn, hứa hẹn mở rộng thêm cánh cửa cho các vận động viên (VĐV) Việt kiều và nhập tịch, qua đó thúc đẩy nền thể thao trong nước tiến nhanh hơn, xa hơn.

Luật Quốc tịch khi chưa sửa đổi, bổ sung có những quy định rất “chặt”, thí dụ người xin nhập quốc tịch phải có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam và phải thôi quốc tịch nước ngoài; hay người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải nộp hồ sơ cho sở tư pháp nơi cư trú. Nay, mọi thứ đã cởi mở, dễ dàng hơn khi luật mới được thông qua.

Đặc biệt, tại Điều 19 sửa đổi, bổ sung còn đưa ra quy định thuận lợi cho VĐV Việt kiều lẫn VĐV nước ngoài. Đó là người có cha/mẹ, ông/bà nội hoặc ngoại là công dân Việt Nam, hoặc có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thì được miễn các điều kiện khi nhập tịch.

Nhìn vào “cánh cửa” đã được mở rộng thêm, nhiều người nghĩ ngay đến bóng đá. Luật Quốc tịch mới là động lực quan trọng để Việt Nam bổ sung nhân sự chất lượng cao. Chính sách của một số quốc gia như Indonesia, Malaysia vừa qua đã cho thấy hiệu quả tức thời. Kỳ vọng này càng lớn nếu nhìn lại màn thể hiện xuất sắc của Nguyễn Xuân Son (cầu thủ gốc Brazil) góp công mang về chức vô địch ASEAN Cup. Hay hiện tại, tất cả đều mong chờ sự tỏa sáng của Cao Pendant Quang Vinh (Việt kiều Pháp), người được cho là hậu vệ trái sở hữu đẳng cấp châu Âu.

Không chỉ bóng đá, các môn khác cũng được hưởng lợi khi đón nhận những VĐV có nền tảng đào tạo bài bản từ các quốc gia phát triển. Với các môn như bơi lội, cầu lông, taekwondo, Việt Nam có thể thu hút VĐV Việt kiều từ châu Âu và Mỹ để mang lại bước đột phá tại các đấu trường quan trọng như SEA Games 33 (năm 2025) hay ASIAD 20 (năm 2026).

Dù tiềm năng đầy hứa hẹn, song chiến lược chung về sử dụng VĐV nhập tịch của Việt Nam vẫn là bảo đảm tính cân bằng, không lạm dụng, cân nhắc các yếu tố văn hóa và tác động lâu dài. Vì vậy, trước khi trông vào ngoại lực, chúng ta vẫn phải ưu tiên phát triển nội lực với điểm tựa là đào tạo trẻ và thể thao học đường. Đó không chỉ là hành trình hướng đến thành tích, mà còn là tầm nhìn bền vững cho tương lai.