Cũng như nhiều vận động viên nữ, Nguyễn Thị Huyền (giữa) phải vượt qua nhiều khó khăn rào cản để đến với thể thao. Ảnh: KHIẾU MINH
Cũng như nhiều vận động viên nữ, Nguyễn Thị Huyền (giữa) phải vượt qua nhiều khó khăn rào cản để đến với thể thao. Ảnh: KHIẾU MINH

Hành trình vượt định kiến

Khó khăn lớn nhất với phái nữ khi lựa chọn trở thành vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp là định kiến về giới và vai trò trong gia đình. Đâu đó vẫn tồn tại quan điểm cho rằng con gái “chân yếu, tay mềm” không nên theo sự nghiệp thể thao.

Nếu nhìn lại tiến trình phát triển, hội nhập quốc tế của thể thao Việt Nam, có thể thấy thành tích của các nữ VĐV tại nhiều môn không thua kém, thậm chí trội hơn nam giới. Đơn cử như bóng đá: Trong khi đội tuyển nam hiện xếp thứ 109 thế giới, chưa bao giờ giành quyền dự World Cup thì đội nữ xếp thứ 37 thế giới, nhiều năm thống trị khu vực và đã dự World Cup nữ năm 2023.

Tuy nhiên, ngay cả khi vượt qua được những định kiến để trở thành VĐV chuyên nghiệp, nữ giới cũng thiệt thòi hơn nam nhiều do gặp áp lực chăm sóc gia đình, tuổi nghề ngắn và không nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư. Một thống kê quốc tế đã chỉ ra rằng, có đến 60% nữ VĐV gặp khó khăn về nghề nghiệp ở thời điểm giải nghệ và 70% không có kế hoạch tài chính dài hạn. Nhiều người vất vả mưu sinh sau khi nghỉ thi đấu.

Những năm gần đây, sự bất bình đẳng giới trong thể thao ở Việt Nam từng bước được thu hẹp. Xã hội ngày càng ghi nhận nhiều hơn những cống hiến xuất sắc của các VĐV nữ như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) hay Huỳnh Như (bóng đá)… Song, cần nhiều động thái cụ thể để giúp các nữ VĐV được đãi ngộ xứng đáng hơn. Đó cũng là nội dung tọa đàm với chủ đề “Thể thao và phụ nữ trong kỷ nguyên vươn mình, hướng đến phát triển bền vững”.

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, bà Trần Thùy Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcontent (doanh nghiệp về bản quyền thể thao) đề xuất mô hình sau giải nghệ với nữ VĐV theo ba nhóm, gồm: Tham gia truyền thông giải trí thể thao; trở thành doanh nhân/nhà quản lý trong ngành và nhà tư vấn chính sách. Để hiện thực hóa điều đó, cần chính sách hỗ trợ học tập, chuyển đổi nghề, kết nối với các trường đại học và tạo môi trường tuyển dụng không phân biệt giới.

Có thể nói trong kỷ nguyên mới, vai trò của nữ giới ở xã hội nói chung và lĩnh vực thể thao nói riêng ngày càng quan trọng. Vì vậy cần hỗ trợ nhiều hơn để họ có thể theo đuổi đam mê, đồng thời hướng đến một nền thể thao bền vững, toàn diện và công bằng.