Dịp 19/8, khai thác hơn 200km đường cao tốc
Cuối tháng 6 vừa qua, ống bên trái (hướng nam-bắc) hầm số 3 thuộc dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn đã được nổ mìn phá tảng đá cuối cùng, chính thức đào thông, vượt trước tiến độ kế hoạch khoảng 8 tháng. Trước đó, cuối tháng 4, ống hầm phải cũng đã đào thông, vượt tiến độ 6 tháng.
Dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn dài 88km, đi qua hai tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng (trong đó giá trị xây lắp gần 14.500 tỷ đồng), trên tuyến có ba hầm xuyên núi, cùng 77 cầu, 586 cống và 81 hầm chui dân sinh. Hạng mục hầm số 3 dài 3.200m, rộng 12,75m/ống, nối hai tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai chính là “đường găng” quan trọng của dự án với khối lượng công việc rất lớn và cũng là nút thắt cuối cùng để thông toàn tuyến cao tốc bắc-nam phía đông.
Để tăng tốc thi công trong giai đoạn cao điểm, nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả đã huy động hơn 3.000 nhân sự và 1.150 thiết bị, máy móc trải khắp toàn bộ 50 mũi thi công trên tuyến. Đối với thi công hầm, giải pháp cuốn chiếu được áp dụng, khoan đến đâu, mở rộng hoàn thiện vỏ hầm đến đó.
Thời gian tới, nhà thầu tiếp tục đào hạ nền, phun bê-tông, hoàn thành vỏ hai ống hầm trong tháng 10, lắp đặt thiết bị và hoàn thành hầm số 3 vào cuối tháng 12/2025, vượt tiến độ chín tháng so với hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Để kịp tiến độ thông toàn tuyến dự án cuối năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn dự án tổ chức thi công ba ca, bốn kíp, riêng hạng mục hầm, các kỹ sư, công nhân thay ca làm việc liên tục trong ngày.
Hiện nay, công tác thi công đường đã đạt hơn 60%, dự kiến trong tháng 7 sẽ hoàn tất cấp phối đá dăm, phấn đấu trong tháng 9 hoàn thành thi công thảm bê-tông nhựa. Cầu Sông Vệ dài hơn 600m, hạng mục cầu lớn nhất trên tuyến cũng đã cơ bản thi công xong phần cầu chính và mố cầu hai bên, sẵn sàng triển khai thảm nhựa mặt cầu. Ước tính, tổng sản lượng thi công đến nay đạt khoảng 9.500 tỷ đồng, tương đương 71% tổng vốn xây lắp.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Kinh tế-Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng), từ đầu năm đến nay, ngành xây dựng đã khởi công tám dự án, gồm: Cầu đường sắt Cẩm Lý trên tuyến đường sắt Kép-Hạ Long; nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1; mở rộng tuyến cao tốc Cao Bồ- Mai Sơn; tuyến nối đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai với Tuyên Quang-Phú Thọ; tuyến cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh-Nam Đàn; mở rộng đoạn La Sơn-Hòa Liên và cải tạo cầu yếu, cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn II).
“Theo kế hoạch, trong năm 2025, ngành xây dựng sẽ hoàn thành 17 dự án, dự án thành phần do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, tổng chiều dài gần 890km, hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000km đường cao tốc đưa vào khai thác. Dự kiến, trong dịp 19/8 tới, sẽ hoàn thành một số đoạn tuyến chính của sáu dự án thành phần, tổng chiều dài 208km, đến tháng 12 phấn đấu hoàn thành toàn bộ các dự án còn lại”, ông Tiến khẳng định.
Tăng tốc tiến độ, siết chất lượng công trình
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Xây dựng, trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia thời gian qua đều có chuyển biến rất mạnh mẽ, nhất là dự án đường cao tốc bắc-nam và các tuyến cao tốc liên vùng. Trong số 14 dự án do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, 10 dự án đã đạt sản lượng từ 72 đến 95%, còn lại đạt khoảng 60-70%.
Có 52 dự án đường cao tốc khác đang thi công cơ bản đều bám sát tiến độ, những vướng mắc về vốn, mặt bằng, kỹ thuật của dự án (giai đoạn I) đều được xử lý, tháo gỡ kịp thời. Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đã đồng loạt giải phóng mặt bằng, phấn đấu khởi công ngày 19/12/2025 và bước vào giai đoạn thi công quy mô lớn ngay từ đầu năm 2026.
Các dự án đầu tư hạ tầng tăng tốc đã góp phần đưa kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Xây dựng đến hết tháng 6 đạt gần 23.800 tỷ đồng, bằng hơn 27% tổng kế hoạch vốn ngân sách được Thủ tướng Chính phủ giao (87.199 tỷ đồng), cao hơn mức giải ngân bình quân chung các bộ, ngành trung ương (25,3%).
Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh vẫn chưa thật sự hài lòng với kết quả giải ngân nêu trên. Bởi theo tính toán, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, khối lượng còn lại rất lớn (khoảng 63.000 tỷ đồng), như vậy bình quân mỗi tháng cần giải ngân khoảng 9.000 tỷ đồng, đòi hỏi các chủ đầu tư phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị quản lý chuyên ngành phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát tiến độ các dự án, nhất là các dự án khởi công, hoàn thành dịp Quốc khánh 2/9 và cuối năm nay.
Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, rà soát sửa đổi tổng thể Luật Xây dựng bắt đầu từ quý III tới, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp chủ trương phân cấp, phân quyền và chính quyền địa phương 2 cấp; hoàn thiện thông tư hướng dẫn về cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo trì công trình để phù hợp thực tiễn.