Cách đây hơn ba tháng, Ban Liên lạc Công tác Chính sách Sư đoàn 308 cùng chính quyền địa phương và gia đình ông Bùi Hữu Tuấn, 75 tuổi ở thôn Câu Nhi (xã Hải Chánh cũ) nay là xã Nam Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị làm lễ khởi công xây dựng bia tưởng niệm 93 liệt sĩ của Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 đã anh dũng hy sinh vào ngày 26/5/1972 tại khu vực gần chân cầu Câu Nhi. Hơn 50 năm qua, ông cùng gia đình đã thờ cúng các liệt sĩ để tưởng nhớ công lao to lớn của các anh.
Khi đất nước mới thống nhất, tìm hiểu từ các cựu chiến binh ông Tuấn được biết, trong trận đánh ngày 26/5/1972 nhằm làm sập cầu Câu Nhi bắc qua Quốc lộ 1, chặt đứt hướng phản công từ phía nam ra nhằm tái chiếm thị xã Quảng Trị (nay là phường Quảng Trị) của quân đội chế độ miền nam cũ, không may quân giải phóng bị lộ mục tiêu, 93 chiến sĩ của Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 hy sinh ngay trong vườn nhà của ba mẹ ông, cách chân cầu Câu Nhi về phía tây gần 100 m. Do hoàn cảnh khắc nghiệt thời điểm đó, sau khi trận đánh kết thúc, đơn vị chưa kịp đưa thi thể đồng đội ra tuyến sau. Quân đội chế độ miền nam cũ đã dùng xe ủi chôn vùi thi thể các anh xuống hố sâu.
Biết chuyện đau lòng này, ông Tuấn cùng ba mẹ mình không dựng nhà ở vị trí có liệt sĩ hy sinh nữa mà để mảnh vườn có diện tích rộng hơn một ha ấy để trồng cây. Ông hy vọng khi chính quyền, cơ quan chức năng có điều kiện sẽ tìm kiếm, cất bốc đưa các anh về nghĩa trang liệt sĩ yên nghỉ. Gia đình ông dời đến làm nhà cách khu vườn cũ khoảng hơn 100 m. Đến ngày mồng một và ngày rằm hằng tháng, ông Tuấn thắp hương cho các liệt sĩ. Cứ đến ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, gia đình ông lại làm mâm cơm dâng cúng các anh với đầy đủ nghi lễ. Rồi Tết đến, ông làm mâm cúng các liệt sĩ, mời các anh vào nhà đón Tết cùng gia đình. Người dân địa phương thấy ông Tuấn làm việc ý nghĩa, họ cùng đến dâng hương cho các liệt sĩ vào các ngày lễ Tết.
Nhờ nhiều nguồn tin từ các cựu chiến binh, ông Tuấn biết được đơn vị tham gia chiến đấu năm xưa vẫn còn 6 người may mắn sống sót và 6 người bị thương nặng. Các anh chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía bắc, nhiều người trong số này cũng đã mất vì tuổi cao, sức yếu. Nhưng ông Tuấn vẫn tìm mọi cách để liên lạc với họ. Giờ đây ông Tuấn đã cùng chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tìm kiếm, cất bốc gần 20 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại vị trí trên đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hải Lăng.
Ban Liên lạc Công tác Chính sách Sư đoàn 308 cho biết, đơn vị rất ngưỡng mộ trước tấm lòng của ông Bùi Hữu Tuấn dành cho các liệt sĩ. Nhờ có ông Tuấn, hơn 50 năm qua, các liệt sĩ dù đang còn nằm khuất dưới lòng đất Hải Chánh, chưa về được với gia đình, các nghĩa trang, vẫn được ấm áp, vẫn được hương khói đầy đủ. Mấy tháng qua, ông Đỗ Duy Chính và ông Trần Ngọc Hiền đại diện Ban Liên lạc Công tác Chính sách Sư đoàn 308 đã từ Hà Nội tới xã Nam Hải Lăng để cùng ông Tuấn xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ bằng số tiền ban liên lạc vận động được.
Bia tưởng niệm được đặt trên bệ đá cao 2 m, bia cao 3 m, khắc đầy đủ tên, tuổi, đơn vị, quê quán của 61 liệt sĩ hy sinh tại trận đánh trên đã được xác minh đầy đủ tư liệu, hồ sơ liệt sĩ. Trên bia còn để lại một khoảng trống, sau này sẽ bổ sung thêm tên tuổi, quê quán, đơn vị cho hơn 32 liệt sĩ, hiện đang được ban liên lạc tiếp tục bổ sung thông tin. Công trình ý nghĩa này được Ban Liên lạc Công tác Chính sách Sư đoàn 308 phối hợp với gia đình ông Tuấn, chính quyền địa phương tổ chức khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 1975-2025 và kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 1947-2025.
Chủ tịch Ủy ban nhân xã Nam Hải Lăng Trần Hữu Bắc cho biết, ông Bùi Hữu Tuấn luôn mẫu mực, dấn thân vì cộng đồng, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân. Tiêu biểu là hơn 50 năm qua ông Tuấn đã cùng gia đình chăm sóc, hương khói cho các liệt sĩ hy sinh ở trên khiến nhiều người cảm động. Mỗi khi tìm kiếm, cất bốc được hài cốt liệt sĩ trong vườn nhà đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hải Lăng, ông Tuấn lại tổ chức mâm lễ cúng ba ngày cho liệt sĩ.
Lần này ông Tuấn lại hiến một diện tích đất gần Quốc lộ 1 để cùng Ban Liên lạc Công tác Chính sách Sư đoàn 308 xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ. Đây là việc làm có ý nghĩa rất lớn, mang đến niềm vui cho nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ trên mọi miền đất nước. Như vậy ước muốn của ông Tuấn, các thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh Sư đoàn 308 có một nơi tôn nghiêm để tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ngày 26/5/1972 gần chân cầu Câu Nhi đã được toại nguyện.