Chủ động phương án ứng phó
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện đợt mưa lớn kéo dài kèm theo giông lốc làm ngập sâu và đổ nhà, tốc mái, gây thiệt hại của cải người dân tại nhiều địa phương như Cẩm Trung, Kỳ Anh, Hương Khê... Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động từ sớm, các địa phương đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phương án ứng phó, kịp thời giúp dân giảm thiệt hại.
Ngay sau khi mưa lớn, giông lốc xảy ra, Trung đoàn 841, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Hà Tĩnh đã khẩn trương triển khai lực lượng xuống các khu vực bị ảnh hưởng. Thượng tá Nguyễn Đình Hoàng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 841, người trực tiếp chỉ huy tại hiện trường cho biết: “Chúng tôi luôn chủ động trong các kế hoạch ứng phó, cho nên khi thiên tai xảy ra, lực lượng được huy động ngay tại chỗ, tiếp cận từng hộ dân để giúp xử lý các tình huống, giảm thiểu thiệt hại. Trước và trong lũ, chúng tôi giúp vận chuyển đồ đạc, gia súc, gia cầm cũng như con người đến nơi an toàn; sau lũ và lốc xoáy tiếp tục phối hợp các lực lượng sửa chữa nhà cửa, hạ tầng hư hỏng, dọn bùn đất, khơi thông cống rãnh... giúp dân sớm ổn định cuộc sống”.
Không chỉ ở Cẩm Trung, tại các địa phương như Kỳ Anh và Hương Khê, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực cùng lực lượng dân quân, tự vệ nhanh chóng có mặt tại các điểm xung yếu, hỗ trợ người dân di dời tài sản, gia cố nhà cửa và khắc phục hậu quả mưa lũ, giông lốc.
Trước đó, chúng tôi có dịp đến tìm hiểu tại một số đơn vị đóng quân trên các địa bàn trọng điểm về phòng, chống thiên tai của tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, các đơn vị đều phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng phương án cụ thể, tổ chức luyện tập thành thục để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp.
Tại Kho K19 (Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh), một buổi luyện tập phòng cháy, chữa cháy được tổ chức với tình huống giả định nắng nóng kéo dài, thời tiết khô hanh, người dân đốt rác gần kho dẫn đến cháy lan có nguy cơ ảnh hưởng kho vũ khí, vật tư kỹ thuật. Khi nhận được lệnh báo cháy, các bộ phận nhanh chóng triển khai theo đúng phân công (gồm các lực lượng chữa cháy, sơ tán, quân y, dự bị).
Tuy là buổi luyện tập, nhưng từng bộ phận đều vận hành đúng vai, đúng nhiệm vụ, phối hợp nhịp nhàng, thể hiện rõ tinh thần sẵn sàng chiến đấu, cứu dân trong mọi tình huống. Đáng chú ý, không chỉ Kho K19 mà tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đều có kế hoạch cụ thể về các tình huống phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và được tổ chức luyện tập định kỳ theo tuần, tháng thuần thục. Sự huấn luyện bài bản và ý thức chủ động cao độ đã trở thành nền tảng vững chắc để LLVT tỉnh luôn là nòng cốt trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước.
Nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy hiệp đồng
Xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) là một trong những nhiệm vụ chính trị trung tâm, là “trận chiến trong thời bình”, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện và thực chất ngay từ cơ sở. Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh chủ động tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng phương án sát thực tế, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và kiểm tra, giám sát chặt chẽ các công trình trọng điểm như hồ đập, cầu cống, đê điều, kho tàng.
Đại tá Nguyễn Tú Tài, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Ngay từ đầu năm, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các văn bản chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, Tư lệnh Quân khu 4 và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác PCTT-TKCN và PCCCR. Trên cơ sở đó, Bộ CHQS tỉnh đánh giá, dự báo sớm các tình huống, xây dựng các phương án, kịch bản, giao nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm “chủ động, kịp thời, hiệu quả”.
Cùng với đó, LLVT tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức biên chế lực lượng, bổ sung phương tiện, cơ sở vật chất. Hiện nay, toàn tỉnh có 102 xuồng cứu hộ các loại, 2 máy xúc, 24 ô-tô vận tải, 12 máy bơm cao áp, 40 máy thổi gió, 10 máy cưa xích và nhiều trang thiết bị cứu hộ hiện đại khác. Tất cả phương tiện đều được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, duy trì hệ số kỹ thuật cao, sẵn sàng cơ động khi có lệnh.
Để nâng cao năng lực hiệp đồng, Bộ CHQS tỉnh xây dựng các kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đóng quân trên địa bàn như Sư đoàn 324, Đại đội 3 (Bộ Tham mưu Quân khu 4), Đại đội 81 (Bộ Tư lệnh Thông tin), Hải đội 102 (Vùng 1 Cảnh sát biển), Trạm Radar 525 (Vùng 1 Hải quân)...; sẵn sàng phối hợp khi có tình huống phức tạp xảy ra. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn được tổ chức sâu rộng, giúp cán bộ, chiến sĩ nắm chắc quy trình, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và ý chí sẵn sàng hành động trong mọi tình huống.
Công tác huấn luyện, diễn tập PCTT-TKCN được tổ chức thường xuyên và ngày càng thực chất. Các xã, phường, thị trấn đều được hướng dẫn xây dựng phương án sát với điều kiện thực tế địa phương. Trong các đợt huấn luyện dân quân tự vệ hằng năm, nội dung cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân và xử trí tình huống khẩn cấp luôn được lồng ghép, giúp nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy và khả năng phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng. Chính vì vậy trước các tình huống thiên tai, LLVT luôn là chỗ dựa tin cậy giúp nhân dân vượt qua khó khăn.