Công trình thi công cao tốc Hòa Liên-Túy Loan được huy động tối đa nhân lực, vật tư để cán đích chào mừng Quốc khánh 2/9.
Công trình thi công cao tốc Hòa Liên-Túy Loan được huy động tối đa nhân lực, vật tư để cán đích chào mừng Quốc khánh 2/9.

Tăng tốc đưa các dự án trọng điểm về đích sớm, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng

Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được thi công với tinh thần "ba ca bốn kíp", "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Nhờ đó, nhiều công trình không chỉ bảo đảm tiến độ mà đang dần về đích trước kế hoạch từ ba đến sáu tháng, tạo động lực quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay.

Phong Châu chờ cầu mới - khát vọng đếm từng giờ

Sau sự cố sập cầu Phong Châu, hàng nghìn người dân từ Lâm Thao sang Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) buộc phải phụ thuộc vào phà vượt sông Hồng. Ai cũng mong mỏi có một cây cầu mới.

Chị Lê Thị Tuynh (xã Thanh Thủy, Phú Thọ) chia sẻ: “Chúng tôi mong có cầu mới từng ngày, từng giờ. Đi lại bằng phà rất vất vả, nhất là khi mưa gió”.

ndo_br_thiet-ke-chua-co-ten-1.png
Công trường thi công cầu Phong Châu đang ở giai đoạn nước rút hoàn thành phục vụ nhân dân.

Anh Hoàng Như Hưng (phường Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cũng cho biết: “Mỗi ngày đi làm, điều tôi lo lắng nhất là trễ giờ vì phải chờ phà, nhất là hôm nào trời mưa. Chúng tôi rất mong cầu được xây sớm để việc đi lại, làm ăn thuận tiện hơn”.

Hiện tại, dự án cầu Phong Châu đang bước vào giai đoạn nước rút. Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 (Bộ Quốc phòng): “Dự án theo kế hoạch hoàn thành tháng 12/2025, nhưng đơn vị đang phấn đấu đưa vào khai thác từ đầu tháng 10 năm nay, sớm hơn hai tháng. Đó là trách nhiệm và quyết tâm đáp lại mong mỏi của nhân dân”.

Tăng tốc các dự án trọng điểm: Từ đường bộ đến năng lượng

Tính đến cuối tháng 6, ngành giao thông đã giải ngân hơn 24.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Nếu đạt mục tiêu giải ngân toàn bộ 94.000 tỷ đồng trong năm 2025, hạ tầng không chỉ được cải thiện rõ rệt mà còn mở ra dư địa phát triển mạnh mẽ cho nhiều vùng, khu vực.

Ông Võ Chí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định: “Hiệu quả của đầu tư công không chỉ dừng lại ở công trình đó. Nó tạo hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế, xây dựng niềm tin cho đầu tư tư nhân và nước ngoài, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư”.

Trong năm nay, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu khởi công 20 dự án và hoàn thành 50 công trình. Đáng chú ý là việc nối thông toàn tuyến cao tốc bắc-nam phía đông, khai thác 3.000 km đường cao tốc, cơ bản hoàn thành tuyến Hồ Chí Minh, đưa vào sử dụng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.

Tại công trường đường dây 500kV Lào Cai-Vĩnh Yên, hơn 3.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang thi công ngày đêm. Ông Lê Văn Thu, Chỉ huy trưởng công trường (Công ty Kinh Bắc) chia sẻ: “Mặc dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi vẫn quyết tâm bám tiến độ, thi công liên tục để hoàn thành đúng kế hoạch”.

Sau bốn tháng thi công, dự án đã hoàn thành 452/468 móng trụ, lắp dựng 192 cột điện, công tác giải phóng mặt bằng đạt hơn 80%. Một trong những thử thách lớn nhất hiện nay là việc kéo dây điện vượt sông Lô, đoạn đòi hỏi kỹ thuật và thiết bị đặc biệt.

Ông Ngô Phi Hùng, tư vấn trưởng gói thầu 8HH cho biết: “Nhà thầu đã huy động cẩu 160 tấn, cao 100 mét, sắp tới sẽ thay bằng cẩu 450 tấn. Để bảo đảm đường thủy, phải sử dụng thiết bị bay và thiết bị tăng hạng chuyên dụng”.

Ngoài lực lượng thi công chuyên nghiệp, nhiều bộ đội và thanh niên tình nguyện cũng tham gia vận chuyển thiết bị, hỗ trợ di dời tài sản cho người dân để sớm bàn giao mặt bằng.

Ông Phan Hồ Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện 1 (EVN) cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn tất giải phóng mặt bằng hành lang tuyến trước ngày 25/7 và kéo dây hoàn tất toàn tuyến trước 15/8. Để đáp ứng tiến độ dự án, các đơn vị thi công cả ngày lẫn đêm, quyết tâm có mặt bằng tới đâu thi công tới đó”.

Đơn cử như dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Liên-Túy Loan hiện đã hoàn thiện hơn 75,2% khối lượng. Theo Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh, nếu thời tiết thuận lợi, toàn bộ mặt đường tuyến chính sẽ hoàn thành vào 15/8 và thông xe vào ngày 19/8.

ndo_br_thiet-ke-chua-co-ten-3.png
Công trường thi công cao tốc Hòa Liên-Túy Loan luôn sáng đèn thi công xuyên đêm với phương châm làm việc của Thủ tướng giao "ba ca bốn kíp" , "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm"

Để đạt mục tiêu, Ban Quản lý kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan xử lý dứt điểm mặt bằng trước 20/7, đặc biệt là khu vực xã Bà Nà.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng trong đợt thị sát đầu tháng 7 yêu cầu: “Thời gian còn lại của dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan không nhiều, do đó các đoạn đã đủ điều kiện thi công, không còn vướng mắc cần nhanh chóng huy động tối đa nhân lực, vật tư để triển khai thi công, hoàn thành tuyến chính trước ngày 19/8. Đoạn nào không còn vướng mắc phải tập trung toàn lực, hoàn thành đúng tiến độ”.

Cao tốc Hòa Liên-Túy Loan là một phần của tuyến cao tốc bắc-nam phía đông, dài hơn 11km, đi qua xã Bà Nà, phường Hòa Khánh và phường Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng). Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9/2023, dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 19/8/2025 và hoàn thành toàn bộ vào tháng 11/2025.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long - động lực mới từ hạ tầng

Tại cuộc làm việc ngày 13/7 với lãnh đạo các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò then chốt của các dự án giao thông trong phát triển vùng. Hiện khu vực phía nam đang triển khai 21 dự án lớn, trong đó 13 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025 với tổng chiều dài 354km.

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết: Tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đã hoàn thành 100% cung ứng vật liệu; dự án Biên Hòa-Vũng Tàu vượt 20% tiến độ; sân bay Long Thành cơ bản hoàn thành cuối năm 2025.

Tại cuộc làm việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Xây dựng cần tiếp tục tinh thần "vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió", yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từ tháo gỡ pháp lý đến hỗ trợ công nhân tại công trường. Các bộ, ngành được giao chủ động hướng dẫn giá vật liệu, bố trí nguồn lực, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, hướng tới khánh thành đồng loạt vào dịp 19/12/2025.

Việc các dự án trọng điểm về đích sớm sẽ trực tiếp cải thiện lưu thông, tiết giảm chi phí logistics, tạo điều kiện cho sản xuất-kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển thị trường nội địa.

Công trình hoàn thành sớm ngày nào, người dân và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi ngày đó. Tăng trưởng từ hạ tầng không chỉ thúc đẩy kinh tế trước mắt mà còn kiến tạo nền tảng vững chắc cho nhiều năm tiếp theo.

Xem thêm