Nới rộng khuôn mẫu nghề nghiệp
“Lớn lên, con/cháu/em sẽ làm nghề gì?” hoặc “Con/cháu/em thích làm nghề gì, sau này, khi lớn như cô/anh/chị?” là những mẫu câu hỏi thông thường mà trẻ em hay gặp phải, trong những cuộc trò chuyện với người lớn.
Những bài học, trải nghiệm đầu đời của mỗi một đứa trẻ có thể khác nhau nhưng bởi nếp tư duy phổ quát trong xã hội tồn tại nhờ vun đắp của nhiều thế hệ, lũ trẻ trai thường hay chọn trở thành chú công an, anh bộ đội, chàng kỹ sư; lũ trẻ gái sẽ “muốn làm” cô giáo, ca sĩ, y tá..., Đây là một thực tế phân chia nghề nghiệp phổ biến nếu nhìn dưới góc độ giới. Vì vậy, sẽ là một điều gì đó “khác thường”, đối với nhiều người lớn, nếu một bé trai bày tỏ mơ ước làm giáo viên, điều dưỡng, y tá chăm sóc bệnh nhân trong tương lai, hoặc nếu một bé gái trả lời muốn làm phi hành gia, phi công.
Theo bà Cathy McWilliam, Bí thư thứ nhất về Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, “những gì trẻ em thấy có thể ảnh hưởng lớn tới những hình mẫu mà các em muốn trở thành. Vì vậy, nếu khi từ nhỏ, thấy cả phụ nữ và nam giới làm nhiều nghề khác nhau thì khi lớn lên, các em sẽ dễ dàng nắm bắt cơ hội nghề nghiệp đa dạng hơn”. Đây cũng là lý do quan trọng để Sáng kiến Investing In Women (Đầu tư cho phụ nữ) của Chính phủ Australia hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Chương trình kêu gọi sáng tác sách cho thiếu nhi với chủ đề về quyền tự do khám phá và lựa chọn nghề nghiệp của trẻ em, nhan đề Gặp tôi trong tương lai. Bà chia sẻ, gia đình bà có ba người con; chồng của bà “sắm vai” người chăm sóc, hỗ trợ (nói cách khác, theo tiếng Việt, là làm nội trợ, một công việc phổ biến hơn trong giới nữ), con gái lớn của bà giữ mơ ước làm kỹ sư hoặc chuyên gia về chứng khoán, trong khi cậu con trai nhỏ không ngừng tưởng tượng về bản thân như một đầu bếp chuyên chế biến bánh trong tương lai...
Nhấn mạnh rằng, sách có vai trò quan trọng đối với trẻ em trong quá trình nhìn nhận thế giới và nhìn nhận lại chính bản thân mình, bà McWilliam hy vọng, Chương trình Gặp tôi trong tương lai có thể giúp khơi gợi, xây dựng và hoàn thiện nhiều xuất bản phẩm về tương lai thông qua cách con người mơ ước về nghề nghiệp của mình, giảm bớt những mặc định, khuôn mẫu về nghề nghiệp theo giới và thay vào đó là những suy nghĩ khác, những tưởng tượng về một tương lai không giới hạn lựa chọn nghề nghiệp.
Mọi ước mơ đều khả thể
Gặp tôi trong tương lai do Studio sáng tạo ICBC (Sáng kiến sáng tạo cùng sách thiếu nhi) khởi xướng với sự đồng hành của Nhà xuất bản Kim Đồng và một số tổ chức khác. ICBC được vận hành bởi một nhóm tác giả viết sách thiếu nhi trong nước.
Chương trình là lời kêu gọi mở, đón nhận mọi ý tưởng sáng tác sách, có thể chỉ là dòng câu hỏi đầy lay động, như “Người điếc, họ có thể làm được nghề gì?”, hay một bức vẽ có thuyết trình về chuyến phiêu lưu tưởng tượng với nghề vũ công ballet của một bé trai, tới chuyện dài về giấc mơ trở thành người chuyên chụp ảnh các loài chim trong tự nhiên của một chàng mới lớn, kể cả tập hợp hơn 40 trang viết chở nhiều suy tư của một bà mẹ bốn con về tương lai nghề nghiệp của chúng…
Chỉ trong chưa đầy một tháng theo thời gian phát động (từ ngày 21/4 đến 18/5), Ban tổ chức đã nhận được 268 ý tưởng sáng tác sách, trong đó có tới 34% (91 ý tưởng) đến từ các chủ nhân dưới 18 tuổi. Nhiều ý tưởng đến từ các nhóm tác giả đa dạng về độ tuổi và hoàn cảnh sống, thể hiện tinh thần kết nối và mong muốn cùng khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong mỗi cá nhân.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, thành viên Hội đồng thẩm định, bày tỏ niềm vui và sự ngạc nhiên trước nhiều ý tưởng nghề nghiệp lãng mạn, mang đậm tinh thần hướng đến cộng đồng. Một thí dụ là ý tưởng làm người thu âm kiêm người chữa lành với công việc đi ghi lại thanh âm trong cuộc sống thường nhật và sử dụng nó như công cụ chữa lành cho người cần.
Góp tiếng nói đề cập đến sự đa dạng, vượt qua giới hạn mặc định thông thường về nghề nghiệp, tác giả Nguyễn Thu Yến gửi đến ý tưởng viết sách nhan đề Bà cụ non. Cuốn sách sẽ bao gồm những gặp gỡ, trò chuyện giữa một cô bé tám tuổi với 12 người phụ nữ Việt Nam ghi dấu ấn. Các nhân vật đều là người thật, đang làm việc và đặc biệt thành công, được trân trọng trong lĩnh vực công việc của họ nhưng giới hạn xuất hiện trên truyền thông. “Em muốn bạn đọc nhỏ tuổi biết về những người phụ nữ tuyệt vời này và học cách trân trọng quê hương, cội nguồn của chính mình”, Nguyễn Thu Yến chia sẻ về khởi nguồn của ý tưởng sáng tác.
Qua thực tế công tác xuất bản của Nhà xuất bản Kim Đồng, bà Vũ Thị Quỳnh Liên nhận thấy, đơn vị đã và đang thực hiện dòng sách về nghề nghiệp dành cho bạn đọc thanh thiếu niên nhưng trong đó, số lượng đầu sách của tác giả Việt Nam mang chủ đề liên quan giới và nghề nghiệp ở Việt Nam chưa nhiều. “Gặp tôi trong tương lai góp phần tích cực vào việc đổi mới nội dung sách cho thiếu nhi tại Việt Nam. Số lượng ý tưởng gửi đến vượt sự kỳ vọng của Ban tổ chức, cho thấy sự quan tâm của công chúng đối với chủ đề về nghề nghiệp và bình đẳng giới”- Bà Vũ Thị Quỳnh Liên nhận định.
Hội đồng thẩm định chương trình đã lựa chọn 5 ý tưởng xuất sắc và phù hợp để phát triển thành sách thiếu nhi, chứa đựng câu chuyện ý nghĩa, giàu cảm xúc, truyền cảm hứng, giới thiệu những nghề nghiệp đa dạng cho trẻ em. Dự kiến, bộ sách Gặp tôi trong tương lai do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành sẽ ra mắt bạn đọc nửa đầu năm 2026.