Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương trong một cuộc trò chuyện về cuộc đời và những vai diễn viễn của mình.
Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương trong một cuộc trò chuyện về cuộc đời và những vai diễn viễn của mình.

Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương:

Sống trọn lòng với đời, với nghề!

Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương (ảnh bên) là một trong bảy văn nghệ sĩ cùng 53 tên tuổi thuộc các lĩnh vực khác được vinh danh tại Lễ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (1975-2025).

Bên cạnh đó, tác phẩm Lá sầu riêng của Đoàn kịch nói Kim Cương cũng được vinh danh trong cuộc bầu chọn 50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của thành phố.

Với người trong giới và khán giả mộ điệu, sự vinh danh này là hoàn toàn xứng đáng. Bà đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng với nhiều vai diễn để đời và là một nghệ sĩ có trái tim nhân ái trong hoạt động thiện nguyện khiến công chúng ngưỡng mộ và yêu quý. Mới đây, bà dành thời gian trò chuyện cùng chúng tôi.

Niềm hạnh phúc tột cùng của nghệ sĩ

- Khi nghe tin Lá sầu riêng được vinh danh là tác phẩm sân khấu tiêu biểu của Thành phố trong 50 năm qua, bà đã bật khóc. Hẳn có những ký ức đẹp về vở diễn khiến bà xúc động mạnh đến thế?

- Tôi rất hạnh phúc khi nghe tin Lá sầu riêng được gọi tên. Đây không chỉ là vở diễn đơn thuần mà còn chứa đựng những kỷ niệm đẹp của tôi và má (cố Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam-PV).

Lá sầu riêng có câu chuyện dung dị, không quá cao siêu nhưng vẫn chạm đến trái tim khán giả bởi thấm đẫm tình mẫu tử. Vai cô Diệu trong vở cũng không phải là vai khó đối với tôi, nhưng bởi vì tôi và má (vai bà Tư, trong vở) là mẹ con ruột nên những cảm xúc của nhân vật được mình truyền tải chân thật hơn. Mẹ con tôi đã bồi đắp nhân vật qua từng suất diễn nên mẹ con bà Tư-cô Diệu cứ thế sống hoài trong lòng khán giả. Hễ má và tôi khóc trên sân khấu, người xem ở dưới khán phòng cũng khóc theo.

Lá sầu riêng đã diễn cả mấy ngàn suất, từ khi ra đời cho tới nay cũng đã hơn 60 năm vậy mà công chúng vẫn nhắc nhớ, với người nghệ sĩ còn hạnh phúc nào bằng.

- NSND, đạo diễn Trần Minh Ngọc từng khẳng định: “Nhắc tới kịch nói Nam Bộ mà không nhắc tới Đoàn kịch nói Kim Cương là một thiếu sót lớn”. Là người tiên phong xây dựng thoại kịch miền nam với màu sắc phương nam rất riêng ngay từ khi còn trẻ, nay, nhìn lại, bà có cảm thấy tuổi trẻ của mình thật quá liều lĩnh?

- Tôi được sinh ra trong gia đình có tới ba, bốn đời theo nghiệp hát, nổi bật nhất ở lĩnh vực cải lương. Tôi cũng được các tiền bối chuẩn bị để trở thành một cô đào cải lương và cũng từng được báo giới thời ấy ưu ái gọi là “kỳ nữ”. Thế nhưng, do tự nhận thấy bản thân còn có hạn chế nên tôi suy nghĩ về một lối đi mới, để phát huy khả năng.

Khoảng đầu những năm 1960, tôi quyết định thành lập Đoàn kịch nói Kim Cương, tuy biết sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều bà má từng xem tôi hát cải lương đã thắc mắc: “Kịch nói là cái gì? Rồi mày nói mà không có ca thì má coi cái gì?”. Lúc đó là thời thịnh của cải lương nên mấy thầy tuồng giỏi đi viết kịch bản cho cải lương hết, ai rảnh đâu mà viết kịch bản kịch nói, vừa xa lạ mà không biết có “nên cơm cháo” gì không. Đó là lý do tôi mạnh dạn tự viết kịch bản luôn, nhưng cũng mắc cỡ sợ người ta chê dở nên không dám lấy tên thật mà ký bút danh Hoàng Dũng. Vậy mà cũng lần hồi đi qua những ngày khó khăn.

Kịch Kim Cương trung thành với lối kể chuyện mộc mạc, giàu cảm xúc như tính cách con người miền nam nên dần dần chinh phục được khán giả. Khán giả gặp tôi là có thể kể vanh vách hàng loạt những vở diễn của Đoàn đã ăn sâu vào tâm khảm của họ, như Lá sầu riêng, Bông hồng cài áo, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Tôi là mẹ, Vực thẳm chiều cao…

Nhìn lại hành trình đã qua, tôi thấy không phải mình gan hay quá giỏi giang. Tôi chỉ nghĩ rằng, đã quyết tâm làm thì phải hết sức, hết lòng, tận tâm với nghề, học hỏi những người giỏi, những điều hay, vun đắp khả năng cho mình từng ngày. Những nỗ lực đó may mắn đã được khán giả chấp nhận và yêu thương tới ngày hôm nay.

Có một Kim Cương của người nghèo

- Bà cũng là nghệ sĩ hiếm hoi gắn bó đời mình với công tác thiện nguyện suốt hơn 50 năm qua. Điều gì đã khiến một ngôi sao sân khấu, điện ảnh Kim Cương lừng lẫy thời ấy, dù bận trăm công nghìn việc, vẫn không quên những thân phận nghèo khó?

- Hồi nhỏ, vì muốn tôi học hành đàng hoàng và “khắc chế” tính quậy phá như con trai của tôi nên má và má Năm Phỉ (Nghệ sĩ Nhân dân Năm Phỉ, dì ruột của nghệ sĩ Kim Cương-PV) đã gửi tôi theo học ở một trường dòng. Ở đó, ngoài việc học, tôi còn theo các sơ chăm sóc các em nhỏ ở cô nhi viện, chăm sóc người già, bệnh tật. Đó là những bước đầu giúp hình thành sự nhân ái trong tôi một cách hết sức tự nhiên. Cứ nhìn thấy những người nghèo, khó khăn hơn là mình muốn góp chút sức giúp gì đó cho họ.

Về sau, tôi thành lập một nhóm gồm các bạn trẻ yêu quý tôi và cùng dành thời gian đi quyên góp vở viết, bánh kẹo, các vật dụng nho nhỏ để cuối tuần, đến các bệnh viện, cô nhi viện tặng quà và chơi với các bé. Từ những việc giản dị như vậy mà mình gắn bó với công tác thiện nguyện hồi nào không hay.

Người ta hỏi tôi, sao lớn tuổi, rời sân khấu rồi mà không chịu nghỉ ngơi cho khỏe, chạy đôn chạy đáo xin tài trợ để hết lo khám, mổ mắt cho người nghèo đến lo đám cưới cho người khuyết tật, rồi mở trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, chăm lo cho các cháu mồ côi bởi đại dịch Covid-19… Tôi cũng không biết trả lời sao, chắc tại cái tính đi ra đường, thấy những hoàn cảnh khó khăn lại thương, lại nghĩ kiếm gì đó ráng giúp họ thôi. Đã làm từ thiện là phải bỏ công bỏ sức, toàn tâm toàn ý mới lo chu đáo được.

Từ kêu gọi của tôi, mọi khoản đóng góp của bà con đều được tôi đề nghị chuyển thẳng tới Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi muốn chi cái gì, chừng 100.000 đồng thôi, cũng phải có chứng từ hóa đơn đàng hoàng, rất rõ ràng. Nhờ đó mà đầu óc mình cũng khỏe, các nhà tài trợ đồng hành cùng mình bao nhiêu năm luôn an tâm và tin tưởng.

1000012519.jpg
Nghệ sĩ Kim Cương (áo đen) trên sân khấu một đêm diễn vở Lá sầu riêng. (Ảnh Tư liệu)

- Sự tin tưởng ấy cũng được nghệ sĩ, nhân viên làm việc trong ngành sân khấu dành cho bà. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều nghệ sĩ, khi gặp hoàn cảnh ngặt nghèo chỉ nhớ và gọi nghệ sĩ Kim Cương… Bà có thể chia sẻ thêm suy nghĩ của mình về những điều này?

- Vì là nghệ sĩ nên tôi hiểu rất rõ về tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của nghệ sĩ khác. Nghệ sĩ hành nghề bằng chính thể xác, tâm hồn của họ. Khi bạn muốn khán giả phải khóc vì nhân vật của mình, bạn phải dồn hết tim gan để đau nỗi đau rất thật, phải đẩy tâm lý để rơi những giọt nước mắt thật, quá trình đó bào mòn sức khỏe dữ lắm. Chưa hết, ở những người thông thường, người ta đi lên từ cái nhỏ mới tới vinh quang, còn nghệ sĩ, khi xuân sắc sẽ là vua chúa, hoàng hậu, rồi về già, họ đi xuống với những vai phụ, vai lão. Cuối cùng, nghệ sĩ về già có gì, bệnh tật, nghèo khổ và có khi bị lãng quên. Nghệ sĩ lại rất nhạy cảm, nên điều đó khiến nhiều người đau đớn.

Tôi đã có 10 năm làm chương trình Nghệ sĩ tri âm, tặng quà cho nghệ sĩ nghèo mỗi khi xuân về. Có người hỏi tôi sao không lấy tên Nghệ sĩ tri ân, có vẻ đúng hơn. Tôi lại nghĩ, sự chia sẻ nên là tri âm, nghĩa là những người hỗ trợ chính là tri âm, tri kỷ, họ giúp nghệ sĩ vì thấu cảm, vì cái tình hơn là chỉ ở vật chất. Vì lý do sức khỏe nên tôi đã tạm dừng chương trình này, nhưng lúc nào cũng trăn trở, thương anh em.

Mới đây, tôi rất vui khi nhận được sự đồng hành của một số bệnh viện, hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho nghệ sĩ, công nhân, hậu đài già yếu, bệnh tật. Một số cơ sở mai táng cũng đồng hành với tôi để lo ma chay cho nghệ sĩ nghèo qua đời mà gia đình không có khả năng tài chính để tổ chức chu toàn.

Tôi cũng gần 90 tuổi rồi, sức khỏe cũng phập phồng, nhưng còn khỏe ngày nào thì ráng lo thôi!

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!.

Xem thêm