Đây là lần đầu, công chúng tại Thủ đô Hà Nội có dịp tiếp cận một triển lãm quy mô về nghệ thuật được làm từ phế liệu, chiếm trọn hơn 2.000 m2 diện tích khán phòng, với hơn 60 tác phẩm điêu khắc và sắp đặt đa dạng.
Triển lãm nhằm lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực về khả năng tái sinh của vật liệu, đồng thời góp phần hướng tư duy, sự cộng cảm của công chúng đến sự phát triển bền vững, nâng cao ý thức xã hội về thực trạng ô nhiễm môi trường và văn hóa tiêu dùng, từ đó tái kiến tạo tam giác quan hệ cân bằng giữa con người-vật chất-tự nhiên. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân, bên lề triển lãm.
Từ phế liệu thành tác phẩm nghệ thuật
- Trong triển lãm của anh, bên cạnh các tác phẩm được bày trên bục bệ, trên tường nghiêm ngắn, còn có một khu vực trưng bày những món đồ như túi, mũ, tượng trang trí... cũng được làm từ phế liệu. Anh có thể chia sẻ thêm về mối liên hệ giữa hai nội dung trưng bày này?
- Bên cạnh các tác phẩm độc nhất, tôi muốn phế liệu có cơ hội tung tăng cùng chúng ta trong cuộc sống thường nhật, được truyền sự sống mới. Nhiều bạn trẻ đến thăm triển lãm đã nhận ra tôi nhờ chiếc túi xanh-vàng, hình ảnh nhận diện của tôi. Họ bảo đi Hội An, thấy túi và tôi trong một quán cà-phê, đã chụp trộm ảnh cái túi, và nay, được gặp lại cả túi và tôi ở Hà Nội (cười).
- Anh có nói đến sự vĩnh cửu cho tác phẩm được làm từ phế liệu. Có nghĩa, anh tự tin vào giá trị thẩm mỹ của tác phẩm này, bên cạnh những thông điệp xã hội mà thông qua chúng, anh muốn truyền đạt tới khán giả, tới xã hội?
- Nếu một tác phẩm nghệ thuật không có giá trị thẩm mỹ thì không thể truyền tải được bất kỳ một thông điệp gì tới người xem, tôi tin là như vậy.
Để thực hiện được chừng đó tác phẩm, tôi đã trải qua nhiều thời gian nghiên cứu không chỉ các lý thuyết, mà còn về kỹ thuật chế tác nhiều vật liệu khác nhau. Phế liệu rất đa dạng về chủng loại, và tôi không muốn bó hẹp vòng đón nhận của bản thân dành riêng cho bất kỳ loại vật liệu nào… Chúng có thể là đồ nhôm, nhựa, sắt, vải..., mà riêng từng chủng loại ấy cũng đã có đủ những dạng tạo chất khác nhau, đòi hỏi nhiều cách cảm nhận và xử lý vệ sinh cũng như kỹ thuật chế tác phù hợp.
Trên thế giới, dòng nghệ thuật từ phế liệu đã có từ lâu, nên để nói thêm về chuyện mua-bán tác phẩm trong dòng này, giới nghiên cứu phê bình nghệ thuật đã tổng kết rồi. Tức là có ba cái “rất khó”: Rất khó có nhà sưu tập; rất khó có bảo tàng lưu trữ; rất khó có gallery định dạng (phế liệu) là tác phẩm nghệ thuật và định giá bán.
Vì vậy, nếu muốn theo đuổi dòng này, phải thật tĩnh tại trước câu chuyện vật chất, phải tự trả lời được các câu hỏi: “Nếu không bán tác phẩm thì sao? Lấy tiền đâu để thu lượm và xử lý vật liệu? Để có kho xưởng ôm chứa các tác phẩm của mình sau khi cho chúng chu du thiên hạ?”.
Tôi tập trung vào mục tiêu truyền cảm hứng, truyền năng lượng tích cực đến người xem, nhất là trẻ em, về một khả năng tự cân bằng trong mỗi chúng ta trước nhu cầu vật chất, trước sự quyến rũ của chủ nghĩa tiêu dùng...
- Trong triển lãm, có một khu vực bày những tác phẩm hoàn toàn từ nhựa đen, khiến tôi bị ám ảnh thị giác. Và tất nhiên, tôi cũng khó tin sẽ có cá nhân nào đó sưu tập chúng.
- Đó là loạt tác phẩm mới dành cho triển lãm này, được làm từ vỏ ti-vi cũ mà tôi lặng lẽ gom từ nhiều năm qua. Tôi muốn gọi đó là những tác phẩm về tương lai của loài người giữa rác điện tử. Thấy vỏ ti-vi là thấy hành trình của rác điện tử, rất ám ảnh. Tôi suy ngẫm về điều này, bởi tôi muốn có thể kể câu chuyện thời đại chúng ta đang sống thông qua nghệ thuật, thay vì mải miết bày tỏ những tự sự của cá nhân mình.
Những gì có thể là chất liệu nghệ thuật, thể hiện được thành tựu, tinh thần và cả những “mặt trái của tấm huân chương” thời đại đang phát triển như vũ bão về công nghệ này? Tôi trộm nghĩ, chỉ cần tập hợp các vỏ ti-vi lớn nhỏ lại và để chúng đứng trước mình, trước khán giả, là tôi đang kể câu chuyện thời đại rồi, không cần phải viện đến việc “sáng tác” nên một câu chuyện khác từ chúng. Tất nhiên, việc tạo tác với vật liệu này có thể được xem như một cái cớ, một cách cân bằng giữa các quan niệm về tác phẩm nghệ thuật. Bản thân vật liệu có câu chuyện, có năng lượng tự bên trong chúng. Chúng sống với con người một thời gian, rồi bị bỏ đi vì hết khả năng phục vụ, hoặc vì nhu cầu mới của con người… Vậy là chúng đã có đời sống đấy chứ.

Sẽ còn những “loài” mới nhờ nghệ thuật
- Tôi nhớ, anh đã gọi phế liệu là một “loài”, trong triển lãm đầu tiên với nghệ thuật tái sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh, như thể đó là sinh vật vậy. Anh có khi nào tự xem xét lại và nhận thấy mình cũng có phần nào cực đoan với ý muốn nhân hóa mọi sự vật lên không?
- Tôi chỉ muốn thông qua hành động của nghệ sĩ, người khác nhận ra phế liệu cũng có năng lượng, có giá trị, và yêu thương chúng, thấy chúng hữu dụng trong một hình hài mới. Nếu cực đoan thì đó là sự cực đoan tích cực, tôi tin như vậy.
Tôi có thể là một người đi ngược chiều trào lưu chủ nghĩa tiêu dùng. Nhưng có lẽ, mỗi người chúng ta cũng nên làm gì đó thiết thực để cân bằng lại trong ứng xử với tự nhiên, với Trái đất này. Tôi chứng minh tôi đi ngược chiều dòng chảy xã hội ở khía cạnh tốt là được, phải không?
Trong khi thực hành nghệ thuật với phế liệu, tôi hy vọng có thể trung dung giữa niềm vui sống của cá nhân và kết nối cộng đồng mạnh mẽ để cùng nhiều người hơn làm được điều gì đó có ý nghĩa lâu dài cho sự sống này.
- Anh có nói đến mục tiêu truyền cảm hứng, năng lượng tích cực đến người xem thông qua các tác phẩm với phế liệu. Triển lãm tại VCCA là lần thứ hai, nhiều tác phẩm của anh được trưng bày phục vụ công chúng. Anh thấy phản hồi của công chúng có khoảng cách như thế nào với mục tiêu ấy?
- Đã có không ít người khóc với tôi khi bày tỏ cảm xúc ngay tại triển lãm đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi tin đó là những giọt nước mắt của tình cảm tích cực dành cho sự sống/sức sống của loài mới, loài phế liệu - tên triển lãm ấy.
Còn tại VCCA, mới qua một vài ngày, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi, sự chia sẻ trong nỗi xúc động, như của một bạn sinh viên năm cuối ngành kiến trúc, người nói với tôi rằng: Triển lãm giúp bạn ấy nhận ra bạn ấy nên đi như thế nào, trong hành trình nghề nghiệp từ nay về sau.
Một điều đặc biệt thú vị là trong triển lãm này, có những tác phẩm được làm từ phế liệu nghệ thuật: Những dây len đỏ đã kết thúc hành trình “sống” của chúng trong chính một triển lãm nghệ thuật rất lớn ngay tại VCCA, và nay, tôi có cơ hội chuyển hóa chúng sang dung mạo mới. Đáng kể nữa, ý tưởng là từ tôi nhưng việc thực hành là do một số người bạn của tôi, những người có vẻ như đang được truyền năng lượng sống tích cực từ loài phế liệu (cười), đảm nhận. Sau triển lãm, tôi sẽ tiếp tục thể nghiệm làm đông cứng loạt tác phẩm này với một loại keo trong, mỏng, để bảo vệ chúng được lâu dài.
- Việc những người bạn của anh tham gia thực hành thể hiện tác phẩm cho thấy rằng, ai cũng có thể trở thành người sáng tạo?
- Đúng vậy. Chúng ta đừng tự tạo nên một khuôn thước nào trong nghệ thuật, chỉ cần chúng ta có niềm tin vào điều ta làm và sự kiên trì đi đến tận cùng của hành trình ấy.
Mới đây, có một người chủ động nhắn tin cho tôi, với mong muốn chuyển cho tôi vải, đủ chủng loại, một dạng phế liệu của công nghiệp may mặc. Họ bảo bỏ đi cũng mất phí vận chuyển, gửi đồ cho tôi còn mất nhiều phí hơn, nhưng biết đâu, tôi có thể làm được gì đó với chúng… Tôi nhận luôn, đó như một tín hiệu từ vũ trụ vậy (cười). Và tới đây, sẽ có sáng tác về “loài” vải.
- Xin chân thành cảm ơn anh!
Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh năm 2009. Xưởng Tái sinh của anh và gia đình tại thành phố Đà Nẵng được thành lập từ năm 2020. Đây không chỉ là nơi thực hành sáng tác của anh và cộng sự mà còn đón tiếp hoàn toàn miễn phí cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về thực hành nghệ thuật với phế liệu.