Không chỉ là sự sắp xếp, tinh gọn bộ máy về mặt tổ chức, với sự thay đổi của mô hình hoạt động này, nhiều cơ hội, phương thức sáng tạo được kỳ vọng sẽ mang tới làn gió mới, giúp lan tỏa những tinh hoa nghệ thuật của dân tộc tới cộng đồng, nhất là công chúng trẻ.
Từng là những thương hiệu biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống lừng danh, những địa chỉ hàng đầu cả nước hội tụ các tên tuổi nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, ba nhà hát quốc gia kể trên còn là nơi có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các giá trị tinh hoa của ba loại hình nghệ thuật truyền thống hết sức đặc sắc của dân tộc suốt mấy chục năm qua (Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam thành lập năm 1951, Nhà hát Tuồng Việt Nam thành lập năm 1959). Dẫu vậy, những năm gần đây, trong bối cảnh khó khăn chung của nghệ thuật sân khấu, dẫu rất nỗ lực xoay trở, ba nhà hát quốc gia vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao và duy trì đội ngũ.
Với mô hình tổ chức mới, các đơn vị vẫn độc lập về hoạt động chuyên môn, nhưng có cơ hội nâng tầm vị thế, huy động nguồn lực và triển khai, ứng dụng các phương thức phát triển hoạt động biểu diễn, bảo tồn nghệ thuật truyền thống cả trong nước và quốc tế. Dẫu vậy, không phải con đường phía trước sẽ chỉ có hoa hồng. Nhiều bài học về sự nhạt nhòa bản sắc, giảm tính chuyên nghiệp hay thậm chí đến mức tan rã đội ngũ chuyên môn mạnh sau hợp nhất các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở các địa phương cách đây mấy năm là những lời cảnh báo không thể không lưu tâm. Cũng bởi vậy, sau sự ra đời của một nhà hát quốc gia quy mô lớn nhất từ trước tới nay, rất cần có những bàn thảo chuyên sâu và xác lập mô hình, phương thức hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp, để có thể tiếp tục phát huy thế mạnh của ba thương hiệu nghệ thuật truyền thống hàng đầu của đất nước.