Những vết nứt, bong tróc mắt thường nhìn thấy được, đe dọa sự ổn định cấu trúc công trình các cây cầu vòm bắc qua sông Ngự.
Những vết nứt, bong tróc mắt thường nhìn thấy được, đe dọa sự ổn định cấu trúc công trình các cây cầu vòm bắc qua sông Ngự.

Tình trạng xuống cấp của hệ thống cầu vòm Kinh thành Huế

Trong Kinh thành Huế ngày nay, năm cây cầu vòm bắc qua sông Ngự Hà gồm Đông Thành Thủy Quan, Ngự Hà, Khánh Ninh, Vĩnh Lợi và Tây Thành Thủy Quan đang oằn mình trước áp lực của thời gian, khí hậu khắc nghiệt và giao thông hiện đại.

Đây là những cây cầu được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, đóng vai trò quan trọng trong tổ chức không gian đô thị dưới thời nhà Nguyễn và hiện là một phần của Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận.

Theo nghiên cứu của nhóm giảng viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, các cầu này đang xuống cấp nghiêm trọng cả về kiến trúc và khả năng chịu tải. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát hiện trạng, đo đạc kỹ thuật, tính toán sức bền kết cấu và đưa ra các kiến nghị bảo tồn cụ thể.

“Kết cấu vòm gạch hoặc đá của các cầu vốn không được thiết kế để chịu tải trọng giao thông cơ giới như hiện nay”, kiến trúc sư Trương Hồng Trường, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu nhận định. Tình trạng thấm dột, bong tróc, mất lan-can, thực vật xâm thực hay chắp vá vật liệu đều đang đe dọa trực tiếp đến độ ổn định của từng cây cầu. Các hư hại do yếu tố thời gian, sức chịu đựng của vật liệu truyền thống dần xuất hiện, gây ra các vết nứt gãy kết cấu. Bên cạnh đó, yếu tố xâm hại từ thực vật, con người cũng tác động đến các chi tiết kiến trúc và thành phần cấu trúc cầu vòm, ngày một đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của các cây cầu hiện nay.

Cầu Vĩnh Lợi được chọn làm đại diện để phân tích tải trọng. Theo kỹ sư Nguyễn Trọng Vinh, cầu được xây bằng gạch không cốt thép, cấu trúc vòm cầu gồm sáu lớp, kết nối bằng vữa vôi mật. Phân tích mô hình chịu lực cho thấy nếu chịu tải trọng tĩnh khoảng 3 tấn mỗi mét là an toàn, nhưng khi có thêm tải động từ phương tiện cơ giới thì nguy cơ phá hoại kết cấu ở các điểm yếu là hiện hữu. “Sức chịu kéo, chịu nén và chịu uốn của vòm gạch đều đã chạm ngưỡng. Nếu lưu lượng xe tiếp tục tăng, những cây cầu này có thể bị hư hỏng cục bộ trong tương lai gần”, ông Vinh nhấn mạnh.

Không chỉ xuống cấp, các cầu còn bị ảnh hưởng bởi hệ thống hạ tầng kỹ thuật chằng chịt. Nhiều đoạn thân cầu hiện nay dùng để liên kết hệ thống ống dẫn nước, dây điện, cáp viễn thông. Điều này vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa tạo thêm áp lực không cần thiết lên kết cấu vốn đã suy yếu.

Thực trạng giao thông nội đô cũng là một nguyên nhân chính khiến hệ thống cầu rơi vào tình trạng quá tải. Dẫn lại dữ liệu dân số năm 2020, nhóm nghiên cứu cho biết riêng 4 phường nội thành là Đông Ba, Thuận Lộc, Tây Lộc và Thuận Hòa đã có hơn 57.000 xe máy, gần 20.000 xe đạp và hơn 2.700 ô-tô tải nhẹ. Giao thông đối nội, đối ngoại của cố đô hiện nay chưa được tổ chức lại một cách khoa học, dẫn đến ùn tắc tại các điểm cầu, tăng nguy cơ tai nạn và hư hại các chi tiết kiến trúc.

Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đưa ra loạt giải pháp bảo tồn và tổ chức lại giao thông. Kiến trúc sư Trương Hồng Trường cho biết: “Chúng tôi đề xuất “Vòng giao thông tuần hoàn” là một giải pháp giao thông thông thoáng một chiều tuân thủ theo một trình tự và tuần hoàn giữa bốn trục giao thông chính trong Kinh thành với tám cổng thành. Việc này không chỉ giúp giảm tải áp lực lưu thông của các phương tiện cục bộ tại các điểm cầu và cổng thành, mà còn duy trì được nhịp lưu thông linh hoạt và hài hòa với kiến trúc di sản”.

Một đề xuất đáng chú ý khác là phục dựng hai cây cầu Bác Tế và Bình Kiều, hiện chỉ còn dấu tích, nhằm kết nối lại mạng lưới giao thông nội bộ; thiết lập lối đi cho khách bộ hành và phục vụ các dịch vụ du lịch khác.

Về mặt kỹ thuật bảo tồn, nhóm kiến nghị cần tiến hành khảo sát từng cầu, xác định nguyên nhân hư hỏng, phân loại mức độ xuống cấp để có giải pháp phù hợp. Vật liệu trùng tu phải đồng chất với vật liệu gốc, ưu tiên tính tương thích và bền vững. Việc phục dựng phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản văn hóa, bảo đảm giữ nguyên trạng tối đa, nhất là tại các vị trí như chân vòm, mố cầu, thành lan-can và nhà bia. “Không thể thay thế di sản bằng giải pháp hiện đại thiếu căn cứ. Mỗi can thiệp cần được cân nhắc kỹ về tầm ảnh hưởng lâu dài, không chỉ về thẩm mỹ, kiến trúc, kết cấu mà còn về ký ức văn hóa và lịch sử”, ông Trường nhấn mạnh.

Từ kết quả khảo sát xã hội học đi kèm, có 85% số người được hỏi đồng thuận giữ nguyên trạng cầu vòm và tiến hành trùng tu; chỉ 10% đề xuất mở rộng lòng cầu và 5% cho rằng nên xây thêm cầu mới. Nhóm nghiên cứu kết luận: Bảo tồn hệ thống cầu vòm Ngự Hà không chỉ là câu chuyện của kỹ thuật hạ tầng, mà là một phần của nhiệm vụ giữ gìn các giá trị kiến trúc và không gian di sản Huế trong bối cảnh phát triển hiện đại. Mỗi một cây cầu còn giữ lại được là một mắt xích lịch sử không thể thay thế.

Xem thêm