Người dân đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Đông Trạch, tỉnh Quảng Trị.
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Đông Trạch, tỉnh Quảng Trị.

Đưa chính quyền gần hơn với người dân

Cùng với công tác sắp xếp bộ máy, nhân sự, các xã ở tỉnh Quảng Trị ưu tiên xây dựng và vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân một cách thông suốt. Đồng thời, hoạt động chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội được diễn ra liền mạch để bảo đảm các mục tiêu chung của tỉnh đề ra.

Gần 3 giờ chiều ngày 2/7, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Đông Trạch, tỉnh Quảng Trị có bảy người đang chờ làm thủ tục hành chính. Không khí ngoài trời khá oi bức nhưng trong khu vực làm việc mát mẻ nhờ có các máy điều hòa không khí. Trung tâm được bài trí, sắp xếp gọn gàng, có biển chỉ dẫn cụ thể từng bộ phận.

Người dân đến, ai cũng khen công sở làm việc của xã được đổi mới đến ngỡ ngàng, tạo môi trường giao dịch nghiêm túc, trang trọng. Bà Phan Thị Tuệ, thôn Trung Đức, xã Đức Trạch (trước đây) nay là xã Đông Trạch cho biết, bà đến làm thủ tục hồ sơ cá nhân cho con trai đang lao động ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi rà soát, công chức phụ trách thông báo là có thiếu sót trong lý lịch nên nói bà về bổ sung rồi quay lại để xã xác nhận cho. Bà chia sẻ: “Những thứ giấy tờ này trước phải đi lên trụ sở huyện Bố Trạch mới làm được, giờ chỉ cần đến xã là xong, người dân đi lại đỡ vất vả”.

Còn anh Phan Thắng ở thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch (trước đây) đến xã Đông Trạch để hỏi về cách đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID. Tiếp nhận thông tin, chị Phan Thảo Nguyên, công chức của trung tâm hướng dẫn và cài đặt giúp trên điện thoại cá nhân của anh Thắng. Nhiều người dân khác cũng được hỗ trợ cách thực hiện hồ sơ trực tuyến một cách nhanh chóng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Trạch Võ Hải Quân vốn là Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (trước đây). Dù công việc còn khá mới nhưng đồng chí dần bắt nhịp với nhiệm vụ được phân công. Đồng chí cho biết, xã Đông Trạch được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Hải Phú, Sơn Lộc, Đức Trạch và Đồng Trạch; có diện tích tự nhiên là 35,73 km², dân số là 34.174 người. Xã vừa có đồi và có bờ biển, cửa sông - đây là những tiềm năng có thể khai thác hiệu quả trong thời gian tới. Hiện, chính quyền xã tiếp nhận, xử lý những phần việc đang làm dở thuộc địa bàn từ cấp huyện trước đây chuyển xuống và sẽ có rà soát, đánh giá tình hình cụ thể.

Gần 5 giờ chiều cùng ngày, dù đã vãn người đến làm thủ tục hành chính nhưng các công chức của Trung tâm phục vụ hành chính công xã Tân Gianh vẫn nghiêm túc làm việc. Bí thư Đảng ủy xã Tân Gianh Trần Minh Hường nhận xét, qua hai ngày đầu thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại chính quyền cấp xã khi bỏ cấp huyện cho thấy thuận lợi hơn, người dân không phải đi xa như trước.

Chẳng hạn, thủ tục đất đai trước đây xã chỉ có thẩm quyền xem xét nguồn gốc sử dụng đất trình cấp thẩm quyền giải quyết thì bây giờ xã vừa xét nguồn gốc, vừa thẩm định, vừa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cách làm này thuận lợi cho người dân nhưng cán bộ, công chức xã thực hiện cũng hết sức thận trọng, kỹ lưỡng chứ không vội được.

Vốn là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quảng Trạch (trước đây), đồng chí Hường chia sẻ cách làm sáng tạo khi về làm cán bộ xã, đó là vẫn duy trì nhóm “Zalo làm việc” của Ban Tổ chức Huyện ủy cũ để thông tin, trao đổi nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở. “Không còn cấp huyện, không còn Ban Tổ chức Huyện ủy nhưng anh em chúng tôi không vì thế mà rời xa nhau. Về cơ sở, anh em làm công tác tổ chức đảng chúng tôi quyết định vẫn duy trì nhóm Zalo để chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hoặc cùng nhau thảo luận những tình huống nảy sinh ở cơ sở để có cách giải quyết hợp lý, đúng quy định”, đồng chí Hường cho biết.

Từ cách làm của mình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Gianh đề nghị các cán bộ, công chức xã tùy theo nhiệm vụ, công việc được phân công để lập nhóm Zalo làm việc với công chức xã bạn, xem như đây là cách tự học, tự nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bản thân để làm tốt công việc được giao, góp phần giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho người dân.

Trước khi cấp huyện dừng hoạt động, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình (trước đây) đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải tập trung giải quyết dứt điểm nhiệm vụ còn tồn đọng thuộc thẩm quyền được giao; nhất là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết những việc thuộc trách nhiệm của cấp huyện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi cấp huyện kết thúc hoạt động. Tuy vậy, thời gian để giải quyết các công việc rất ngắn, nhất là trong bối cảnh dành toàn bộ nhân lực cho việc sắp xếp bộ máy, hợp nhất cấp tỉnh, cấp xã nên nhiều nội dung vẫn còn dang dở.

Bên cạnh đó, hiện còn thiếu nơi làm việc tập trung cho khối cơ quan Đảng, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã trong khi thừa trụ sở (do sáp nhập xã), cho nên trước mắt phải bố trí làm việc phân tán ở nhiều nơi. Đường truyền internet ở nhiều xã chưa đủ mạnh hoặc có lúc chập chờn ảnh hưởng đến công việc; hộp thư công vụ của cán bộ cấp xã trước đây chưa được thiết lập nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, phòng chuyên môn Ủy ban nhân dân xã rất ít người lại phụ trách nhiều lĩnh vực mà không phải lĩnh vực nào cũng có chuyên môn cho nên gặp khó khăn.

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là không khí làm việc nghiêm túc “hết việc chứ không phải hết giờ”, sự hồ hởi của người dân và khoảng cách được kéo gần lại giữa cán bộ, công chức xã với dân. Giữa bộn bề công việc của những ngày đầu đi vào hoạt động, cấp ủy, chính quyền và công an các xã, phường ở Quảng Trị đã hết sức cố gắng để phục vụ người dân nhanh chóng, tốt hơn bằng những việc làm hằng ngày.

Xem thêm