Học sinh Trường tiểu học Tiểu La về nguồn tại Khu căn cứ cách mạng K20.
Học sinh Trường tiểu học Tiểu La về nguồn tại Khu căn cứ cách mạng K20.

Giữ cho mạch nguồn cách mạng chảy mãi

Qua những năm tháng chống thực dân, phong kiến và đế quốc xâm lược, truyền thống yêu nước và ý chí tự cường dân tộc đã trở thành hệ tư tưởng, động lực để người dân Đà Nẵng xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước.

Nhiều địa phương thuộc thành phố đã phát huy và vận dụng sáng tạo truyền thống đó vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa.

Giá trị vượt thời gian

“Sinh ra trên mảnh đất Khu căn cứ cách mạng K20, mỗi người dân nơi đây đều tiềm ẩn ngọn lửa cách mạng, sẵn sàng cống hiến khi có điều kiện”, đồng chí Trần Minh Thiên, nguyên Bí thư Chi bộ khu dân cư Đa Mặn 5 (phường Ngũ Hành Sơn) tự hào nói về truyền thống cách mạng của địa phương mình. Lịch sử đấu tranh của thành phố Đà Nẵng cho thấy, các khu căn cứ cách mạng giữ vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo phong trào địa phương, đóng vai trò vừa là “nơi về” an toàn, vừa là “điểm xuất phát” của quân ta.

Thế nhưng, yếu tố then chốt, quyết định làm nên sức mạnh là nhân dân. Trong lịch sử đấu tranh của các căn cứ cách mạng như: Hòa Vang, B1 Hồng Phước, K20, Sông Đà, lõm chính trị Thanh Khê, Nước Oa... nhân dân là “tai mắt” và “cánh tay” đắc lực của cách mạng, không chỉ là hậu phương mà còn trực tiếp chiến đấu, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội. Ông Trần Minh Thiên chia sẻ thêm: “Truyền thống cách mạng ở đây mang tính kế thừa sâu sắc. Sự gắn bó máu thịt giữa cán bộ và nhân dân trong kháng chiến vẫn được duy trì và vận dụng, nhờ đó mà nhiều mô hình, chủ trương nhận được sự đồng thuận của người dân”.

Tại Khu căn cứ cách mạng K20 (nay thuộc phường Ngũ Hành Sơn), mặc dù nằm ngay trong lòng địch, người dân vẫn xây dựng được hơn 150 hầm bí mật và hệ thống địa đạo phục vụ cách mạng, đưa đón và nuôi giấu hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ về hoạt động; vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, lương thực và nhiều công văn tài liệu; đấu tranh anh dũng để bảo vệ an toàn căn cứ và lực lượng cách mạng... Cho đến hôm nay, truyền thống yêu nước anh hùng đó đang được mỗi con người Ngũ Hành Sơn duy trì và phát huy, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xuyên suốt qua nhiều thế hệ lãnh đạo, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng luôn khẳng định vai trò then chốt của “sức mạnh đồng thuận trong nhân dân”. Điều này đã được cụ thể hóa rõ ràng, từ chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong những năm đầu chia tách, đến chỉ thị về việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố trong bối cảnh hiện nay. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (khu dân cư Đa Mặn 5) chia sẻ: “Từ ngày giải phóng đến nay, cán bộ và nhân dân phường Khuê Mỹ (trước đây), nay là phường Ngũ Hành Sơn luôn tiếp nối truyền thống K20 anh hùng, phát huy truyền thống cách mạng trong kháng chiến, ra sức xây dựng quê hương giàu mạnh”.

Động lực phát triển địa phương

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã xác định lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc là một trong những giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Theo đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là 1 trong 4 nhóm giải pháp lớn được đề ra. Vì vậy, vận dụng và phát triển sáng tạo giá trị truyền thống cách mạng không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt Nam, mà còn là biện pháp tích cực nhằm tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh ở địa bàn cơ sở, để mỗi người dân, mỗi gia đình đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, tổ chức sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa.

Thực tế trong phong trào xây dựng “Thôn, tổ dân phố văn hóa” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương có bề dày truyền thống cách mạng như thôn Phú Túc (xã Hòa Vang); Tổ dân phố số 13 phường Khuê Mỹ (trước đây), nay là phường Ngũ Hành Sơn... đã đạt và giữ vững danh hiệu “Thôn văn hoá”, “Tổ dân phố văn hóa” trong nhiều năm liền.

Tại đây, bề dày lịch sử cách mạng đã tạo ra một nền tảng tinh thần xã hội, niềm tự hào và ý thức cộng đồng sâu sắc về vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đúc kết thành phương châm “Đảng nói dân tin, Mặt trận, đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ”. Thêm vào đó, phong trào còn được đưa lên một bước cao hơn khi lồng ghép nội dung, hoạt động với các chương trình lớn của thành phố, như: Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”; “Năm văn hóa, văn minh đô thị”... Bằng cách đó, truyền thống cách mạng đã trở thành “đòn bẩy, điểm tựa” đưa các chủ trương lớn của thành phố nhanh chóng đi vào cuộc sống, cũng như đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở thôn, tổ đi vào chiều sâu, thiết thực.

Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra hiện nay, truyền thống cách mạng cũng có nguy cơ bị phai nhạt nếu không được chuyển hóa thành động lực cụ thể, thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội. Đồng chí Nguyễn Văn Đích, Phó Bí thư Chi bộ khu dân cư Đa Mặn 5 chia sẻ: “Khu căn cứ cách mạng K20 hiện nay có tiềm năng du lịch về nguồn. Nếu du lịch nơi đây phát triển, các giá trị truyền thống cách mạng sẽ được người dân phát huy mạnh mẽ hơn”.

Xem thêm