Cần sự hỗ trợ, cộng tác từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc chống hàng giả, hàng nhái.
Cần sự hỗ trợ, cộng tác từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc chống hàng giả, hàng nhái.

Nhiều thách thức trong công tác chống hàng lậu, hàng giả ở Huế

Sau một tháng thực hiện cao điểm theo Công điện 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhưng khó khăn trong việc xử lý các vi phạm tinh vi, đặc biệt trên môi trường mạng, vẫn đang là thách thức lớn đối với lực lượng chức năng.

Trong đợt cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, toàn thành phố phát hiện 46 vụ vi phạm, xử lý hành chính 27 vụ với tổng số tiền phạt hơn 361 triệu đồng, tang vật tiêu hủy trị giá 21,85 triệu đồng và đang tạm giữ hơn 105 triệu đồng hàng hóa. Đồng thời, 3 vụ án hình sự với 4 bị can đã bị khởi tố về các tội danh “Vận chuyển hàng cấm”, “Buôn bán hàng cấm” và “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

“Các hành vi vi phạm rất đa dạng và phức tạp, từ kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, đến vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tình trạng bán hàng online, không xác định địa chỉ kinh doanh cụ thể, khiến công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn”, ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Huế, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết.

Một trong những điểm đáng lo ngại là hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện khá phổ biến ở các cửa hàng nhỏ lẻ, với các mặt hàng như thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm nhập lậu, hay quần áo gắn nhãn hiệu giả mạo Adidas, Gucci, Nike… Ngoài ra, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, hay các sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển khiến lực lượng chức năng khó truy xuất nguồn gốc và xử lý.

Khó khăn còn đến từ quy định pháp luật. “Hiện nay, một số chức danh chưa được quy định rõ thẩm quyền xử phạt trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, khiến công tác xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại gặp nhiều vướng mắc”, ông Phúc cho biết thêm.

Ngoài ra, do thiếu cơ quan giám định tại chỗ, nhiều mẫu vật (như thực phẩm, thuốc, gỗ, mỹ phẩm…) phải gửi đi giám định ở các tỉnh khác như Đà Nẵng, Hà Nội, gây chậm trễ trong xử lý.

Trước tình hình đó, thành phố Huế đã đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới: tiếp tục duy trì các đoàn kiểm tra liên ngành, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ vào giám sát thị trường, và kêu gọi sự vào cuộc của toàn dân trong tố giác hành vi vi phạm.

“Phương châm là làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ. Chúng tôi đề xuất duy trì hoạt động kiểm tra định kỳ, không chỉ tập trung vào thời điểm cao điểm, mà phải trở thành công tác thường xuyên để đảm bảo thị trường lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính”, ông Đặng Hữu Phúc nhấn mạnh.

Thành phố Huế vẫn đang nỗ lực chống hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, để thu được kết quả cao nhất thì cần sự hỗ trợ, cộng tác từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bởi, trật tự thương mại, suy cho cùng là câu chuyện chung của cả cộng đồng.

Xem thêm