Sự kiện kéo dài đến ngày 12/7, quy tụ gần 40 nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Đài Loan (Trung Quốc), Tây Ban Nha, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam.
VSOA9 năm nay tập trung vào một trong những chủ đề nóng bỏng và giàu tiềm năng nhất của vật lý thiên văn hiện đại, đó là quá trình hình thành và tiến hóa của các thiên hà.
Đây là lĩnh vực đang có những bước tiến vượt bậc nhờ các quan sát đột phá từ kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) và hệ kính thiên văn ALMA, hai công cụ hàng đầu đang mở ra những cánh cửa mới vào vũ trụ sơ khai.

Không chỉ dừng ở lý thuyết, chương trình giảng dạy của VSOA9 còn tích hợp các buổi thực hành chuyên sâu, nơi học viên được hướng dẫn sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu quan sát thực tế-kỹ năng thiết yếu trong nghiên cứu thiên văn hiện đại. Đây cũng là cơ hội quý báu để các bạn trẻ tiếp cận trực tiếp với phương pháp nghiên cứu tiên tiến, từ đó hình thành tư duy khoa học độc lập và sáng tạo.
Năm nay, trường học cũng vinh dự có sự tham gia giảng dạy của nhiều nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực thiên văn học quốc tế, tiêu biểu như Giáo sư Masami Ouchi, Đài Thiên văn quốc gia Nhật Bản/Đại học Tokyo, Nhật Bản; Tiến sĩ Javier Alvarez và Tiến sĩ Bruno Rodriguez del Pino, Trung tâm Sinh học Vũ trụ (Centro de Astrobiología), Tây Ban Nha; Giáo sư Wen-Ping Chen, Khoa Vật lý, Đại học Quốc lập Trung ương (NCU), Đài Loan (Trung Quốc) và Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC).
Được tổ chức lần đầu vào năm 2013, Trường học Việt Nam về Vật lý Thiên văn (VSOA) là sáng kiến giáo dục khoa học đặc biệt do Hội Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE khởi xướng. Trải qua 9 kỳ tổ chức, VSOA trở thành điểm hẹn học thuật uy tín, góp phần định hướng và bồi dưỡng nên một thế hệ các nhà khoa học trẻ yêu thích thiên văn học, lĩnh vực khoa học cơ bản nhưng đầy tiềm năng đột phá.
Không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, VSOA còn là môi trường kết nối học thuật, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế. Nhiều học viên từ các khóa trước đã tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu chuyên sâu, trở thành những nhân tố quan trọng trong cộng đồng khoa học Việt Nam và quốc tế.

Ngày nay, thiên văn học không còn là lĩnh vực biệt lập, mà trở thành giao lộ của nhiều nhánh khoa học: từ vật lý hạt nhân, nguyên tử, quang học, vật lý plasma, vật lý vật chất ngưng tụ đến hóa học và sinh học.
Những câu hỏi lớn nhất của vật lý đương đại như bản chất của vật chất tối, năng lượng tối hay sự giãn nở tăng tốc của vũ trụ đều đang được “giải mã” trong phòng thí nghiệm vũ trụ rộng lớn. Vì thế, thiên văn học không chỉ là ngành khoa học kỳ thú, mà còn là một phần không thể thiếu trong bức tranh khoa học hiện đại của Việt Nam.
Việc tổ chức thường niên các trường học như VSOA đã và đang tạo ra những dấu hiệu tích cực về việc khám phá bầu trời của những người làm khoa học, những người đang gieo mầm cho một thế hệ mới biết ngước nhìn lên bầu trời và đặt câu hỏi về vũ trụ bao la.