Để ngăn chặn từ sớm, từ xa, nhiều giải pháp đã được tỉnh Đắk Lắk cùng các lực lượng chức năng liên quan phối hợptriển khai đồng bộ, quyết liệt.
Xử lý triệt để mọi vi phạm
Đắk Lắk có chiều dài bờ biển hơn 189 km với bốn cảng cá lớn là Đông Tác, Phú Lạc, Dân Phước và Tiên Châu. Đội ngũ tàu cá của tỉnh là gần 3.000 chiếc đã đăng ký trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, trong đó 681 tàu cá dài từ 15m trở lên. Nhiều bến cá được lắp đặt camera giám sát và trích xuất thường xuyên để giám sát tàu cá xuất, nhập bến, bốc dỡ thủy sản. Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU cho nên đến nay nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản xóa xong tàu cá “3 không” (không đăng ký, không có giấy phép khai thác và không được đăng kiểm).
Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhận định, tình trạng tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài còn trong giai đoạn cao điểm, diễn biến phức tạp. Nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn, răn đe, tàu cá của ngư dân rất dễ vi phạm, dẫn đến bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả nước để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5.
Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, đơn vị có vùng quản lý 9 tỉnh, thành phố ven biển, một số ngư dân vẫn chưa chấp hành nghiêm các quy định về khai thác IUU và hoạt động khai thác hải sản trên biển. Có trường hợp tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong quá trình khai thác; khi hoạt động trên biển, một số ngư dân sử dụng kênh liên lạc khác không thuộc hệ thống nên gặp khó khăn khi liên lạc, trao đổi, nắm bắt thông tin.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng ngư dân cố tình vi phạm trong khai thác IUU như lợi dụng lúc thời tiết xấu, phạm vi tầm quan sát kém, khoảng cách phủ sóng radar hạn chế…, để né tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng Cảnh sát biển.
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã xử phạt 14 trường hợp tàu cá vi phạm liên quan đến mất kết nối thiết bị VMS trên biển hơn 6 giờ và trên 10 ngày; tổng số tiền phạt là 350 triệu đồng. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục xử lý triệt để các tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; không thực hiện sang tên, đổi chủ; gửi thiết bị VMS, VX-1700 (máy thông tin liên lạc) trên tàu cá khác và tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS, VX-1700 của tàu cá khác; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi, tổ chức môi giới, móc nối đưa tàu cá ngư dân trong tỉnh đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu; cảnh báo, ngăn chặn, xử lý ngay tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác IUU.
Ngăn chặn từ sớm, từ xa
Chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam. Một trong những biện pháp quan trọng được tỉnh Đắk Lắk đặt ra là nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng và địa phương ven biển, trong đó có Cảnh sát biển Việt Nam. Theo Đại tá Lê Văn Tú, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, với quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định trong khai thác hải sản, ngoài tăng cường tuần tra trên biển, Bộ Tư lệnh đã ký kết chương trình phối hợp với các tỉnh, thành phố ven biển.
Trong đó, nội dung trọng tâm là hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp phòng, chống khai thác IUU; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình tàu cá hoạt động; trực tiếp chỉ huy lực lượng thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, xử lý nhanh các tình huống xảy ra trên biển theo đúng quy định.
Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Thủy sản và Biển đảo tỉnh Đắk Lắk cho biết, các sở, ngành, địa phương nỗ lực triển khai giải pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, gặp từng chủ tàu để vận động, hỗ trợ thực hiện các hồ sơ, thủ tục bảo đảm hoàn thành việc đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Cùng với đó, cơ quan chức năng quyết tâm chấm dứt tình trạng các phương tiện không đăng ký, nhưng vẫn để ngư cụ trên tàu cá; thực hiện quản lý, theo dõi, cập nhật về hiện trạng hoạt động, vị trí neo đậu của các tàu cá địa phương không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản.
Hiện, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tàu cá thông qua hệ thống vệ tinh tại trung tâm chỉ huy, thường xuyên duy trì các tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác IUU ở vùng biển giáp ranh. Đồng thời triển khai chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, đề án tổ chức cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”, tập trung tuyên truyền cho ngư dân trực tiếp khai thác trên biển trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát. Tỉnh Đắk Lắk cũng đang nỗ lực triển khai ứng dụng phần mềm e-CDT để kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác, bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Các tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển đều được các cơ quan, đơn vị chức năng liên hệ chủ tàu, thuyền trưởng khắc phục và đưa tàu quay về vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Để duy trì kết quả nhiều năm không có tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý, trong thực thi pháp luật, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã tính đến và quản lý từ sớm, từ xa; chỉ đạo tổ chức rà soát, đưa ra khỏi danh sách các tàu cá chuyển sang phục vụ nuôi trồng, không tham gia khai thác thủy sản; kiên quyết không cho tàu cá không đủ điều kiện xuất bến, tham gia khai thác thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không khắc phục các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.