Ngày nay, những công trình này được xem là “kho báu” cần được phát huy giá trị trong lĩnh vực bảo tồn và du lịch. Đặc biệt là các hình thức tham quan, trải nghiệm gắn với di sản kiến trúc, không gian giao thoa văn hóa Đông-Tây.
Vơi dần theo thời gian
Du khách mỗi khi đi trên trục đường Lê Lợi dọc theo bờ sông Hương sẽ không khỏi ngẩn ngơ trước mái cổng đỏ của Trường Quốc học, cạnh đó là “ngôi trường hồng” Hai Bà Trưng, phía trên là Ga Huế, rồi Đại học Huế, gần cầu Trường Tiền là khách sạn Saigon Morin, tòa biệt thự xưa cũ trước là trụ sở Liên hiệp các hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế, rồi thành phố Huế… Những địa danh đó từng được chính quyền Pháp xây dựng và đến hôm nay, đã trở thành một quỹ di sản kiến trúc quý giá của Huế.
Ngoài tuyến đường Lê Lợi, nhiều tuyến đường khác nằm ở bờ nam sông Hương cũng xuất hiện nhiều công trình kiến trúc Pháp khác ấn tượng. Những công trình này được xây dựng với hệ thống không gian cây xanh, cảnh quan, hệ thống vỉa hè, thoát nước một cách bài bản, tuân theo nguyên tắc kiến trúc trong quy hoạch đô thị.
Theo TS, KTS Nguyễn Ngọc Tùng (Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế), đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ về số lượng các công trình kiến trúc Pháp hiện còn ở thành phố Huế. Vào năm 2000, tỉnh Thừa Thiên Huế khi đó có khoảng 240 công trình, nhưng đến năm 2022 con số này giảm xuống dưới 100 và dự báo sẽ còn giảm nữa nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời.
“Đa phần các công trình thời Pháp thuộc hiện còn đều được cải tạo, cơi nới. Hiếm có công trình nào còn giữ được tính nguyên vẹn”, KTS Tùng nhận định sau khi cùng các cộng sự nghiên cứu 89 công trình kiến trúc xây dựng còn lại.
Vừa bảo tồn, vừa tìm cách khai thác du lịch
Theo TS Trần Văn Dũng (Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế), các công trình kiến trúc với cây xanh xen lẫn nằm rải rác trên các trục phố chính như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo có ảnh hưởng lớn đến tạo hình trong kiến trúc thuộc địa.
Ban đầu, những công trình kiến trúc phương Tây này phục vụ cho bộ máy hành chính Pháp, là cách biểu dương uy thế và sức mạnh để duy trì sự kiểm soát của chính quyền. Sau đó xuất hiện thêm những ngôi nhà, biệt thự vẫn theo kiến trúc phương Tây nhưng thích nghi với điều kiện khí hậu và truyền thống địa phương hơn. Có thể nói, kiến trúc thuộc địa là một di sản đô thị đặc sắc, là minh chứng quan trọng cho lịch sử phát triển đô thị của Huế. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy các công trình kiến trúc này chính là ghi nhận sự phát triển mối giao thoa văn hóa nói trên. Ông Dũng đề nghị nên khai thác và phát huy giá trị di sản kiến trúc thuộc địa ở Huế phục vụ cho du lịch bền vững. Đó là một trong những giải pháp tốt nhất để di sản “sống” lại, hòa mình vào cuộc sống của xã hội đương đại, tránh nguy cơ rơi vào cảnh mai một, xuống cấp.
“Đưa di sản kiến trúc thuộc địa vào chiến lược khai thác phục vụ phát triển du lịch sẽ góp phần quảng bá nét đặc sắc của di sản Huế và tạo ra nguồn thu nhập, đồng thời, Huế sẽ có thêm những sản phẩm du lịch mới lạ và đặc sắc hơn”, TS Dũng gợi mở.
89 công trình kiến trúc Pháp cổ được khảo sát, nghiên cứu, theo KTS Tùng gồm nhiều thể loại từ nhà công cộng, công sở, biệt thự, nhà ở thuộc địa, tôn giáo và cũng đa dạng phong cách. “Các công trình kiến trúc Pháp ở Huế có nét đặc trưng riêng, phù hợp với tính vùng miền, làm phong phú thêm không gian kiến trúc Huế”, ông Tùng nhìn nhận.